Post Top Ad

Post Top Ad

Đời sốngGóc gia đìnhTin HotXã hội

Tâm sự của cô gái “tí hon” 25 tuổi mang hình hài đứa trẻ lên 5

Dù đã bước sang tuổi 25, nhưng Quỳnh vẫn mang thân hình của đứa trẻ. Thể trạng yếu cùng với chứng co giật kéo dài, khiến cô gái “tí hon” dường như không còn sức để làm được những việc nặng. Mặc dù đi tái khám rất nhiều lần nhưng các bác sỹ vẫn không thể lý giải được, Quỳnh mắc chứng bệnh gì và nguyên nhân từ đâu.

Cô gái “tí hon”

Sau khi hỏi thăm một số người dân ở ấp Bình Tả 2 (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), chúng tôi tìm đến nhà của cô gái Dương Thị Lương Quỳnh (SN1991). Dù đã bước sang tuổi 25, nhưng Quỳnh có thân hình và giọng nói không khác gì đứa trẻ mới lên 5. Kể về sự ra đời của cô con gái đặc biệt của mình, ông Dương Quang Trung (49 tuổi, cha Quỳnh) ngậm ngùi: “Quỳnh ra trong hoàn cảnh gia đình lúc đó hết sức khó khăn. Không có điều kiện đưa vợ lên bệnh viện nên tôi để vợ sinh tại trạm y tế xã. Lúc mới chào đời, bé Quỳnh bị co giật, mặt biến sắc vàng. Gia đình lo sợ quá nên chuyển hai mẹ con lên bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM)”.

 Quỳnh cho PV xem giấy CMND vừa được cấp.

Sau khi kiểm tra xét nghiệm, các bác sỹ chẩn đoán Quỳnh bị xuất huyết màng não. Suốt 16 ngày đêm, cô bé được chăm sóc đặc biệt trong lồng kính. Sau khi sức khỏe hồi phục, các bác sỹ mới cho bố mẹ Quỳnh đưa con về nhà. Nhưng từ thời điểm đó đến giờ, cô gái này vẫn phải uống thuốc để tránh những cơn co giật. “Dù đã nhiều lần tái khám, từ bệnh viện Nhi đồng đến bệnh viện Nhiệt đới (TP.HCM), nhưng các bác sỹ vẫn không tìm ra con tôi mắc chứng bệnh gì. Thời gian sau, biến chứng từ những lần co giật làm con bé bị tê liệt một phần tay và chân phải. Vợ chồng tôi cứ vậy nuôi Quỳnh đến bây giờ mà con bé không lớn lên được chút nào. Tuy nhiên, nhận thức của Quỳnh vẫn phát triển bình thường như bao người con gái cùng tuổi”, ông Trung cho biết thêm.

Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, ông Trung và vợ là Lương Thị Thu (48 tuổi) hiện cùng làm công nhân ở một khu công nghiệp gần nhà. Ngoài Quỳnh, vợ chồng ông Trung còn có một con gái  nữa, sinh năm 2000. May mắn là cô con gái này có sức khỏe và hình dáng bình thường, chứ không “tí hon” như người chị cả. Năm nay cô bé học lớp 10.

Công việc yêu thích của Quỳnh là thêu tranh.

 Chia sẻ về cuộc sống của Quỳnh, ông Trung bảo cho biết, vợ chồng ông đã đưa Quỳnh đi khám ở một số bệnh viện tại TP.HCM. Tuy nhiên, dù làm mọi thủ thuật, hàng trăm xét nghiệm nhưng các bác sỹ không tìm ra cháu mắc bệnh gì. Hiện nay, cuộc sống gia đình vẫn còn khó khăn, vất vả nhưng vợ chồng ông Trung không bao giờ than vãn. 

Người cha của cô gái “tí hon” tâm niệm rằng, con cái là của trời cho. Trời cho như thế nào thì họ chấp nhận thế đó. Nói xong, ông Trung quay sang Quỳnh, choàng tay xoa đầu đứa con gái “tí hon” nói: “Con gái tôi dù có khiếm khuyết nhưng vẫn may mắn hơn nhiều người. Thời gian qua, coi tivi tôi thấy có người bị chứng lão hóa sớm, hai mươi mấy tuổi nhưng phải mang hình hài của ông lão, bà lão. Nhìn lại con gái mình, tuy vóc dáng nhỏ nhưng có gương mặt lành lặn nên vợ chồng tôi cũng cảm thấy ấm lòng”.

Và sở thích thêu tranh chữ thập

Đúng như lời ông Trung chia sẻ, Quỳnh dù mang thân hình trẻ con nhưng có tâm hồn của một cô gái tuổi trưởng thành. Cô vui vẻ ngồi tiếp khách cùng cha trong suốt buổi nói chuyện. Khi chúng tôi hỏi Quỳnh học đến lớp mấy, bằng chất giọng trong trẻo, cô gái “tí hon” nhanh nhẹn đáp: “Dạ, em học tới lớp 5 rồi nghỉ!. Hồi còn đi học, thể trạng của em yếu lắm. Một phần sợ không theo kịp bạn bè, một phần lo cho sức khỏe nên bố mẹ không cho em học cao hơn”. Chúng tôi hỏi tiếp “Nghỉ học sớm như vậy có tiếc không?”. Cô bé mỉm cười rồi thật thà đáp: “Dạ, cũng hơi tiếc nhưng em bệnh nên cũng phải nghe lời ba mẹ thôi”.

Ông Trung và cô con gái “tí hon”.

Với dáng vẻ suy tư của đứa trẻ, Quỳnh ngồi ngẫm nghĩ một chút rồi mở lời kể tiếp: “Hồi đó em đi học cũng vui lắm. Thấy em nhỏ nên mỗi lần chơi đùa, mấy bạn cứ hay nhấc bổng em lên. Có đứa còn đặt cho em biệt danh là “Ốc tiêu”. Em nghỉ học cả chục năm rồi nhưng thỉnh thoảng có một  bạn vẫn đến nhà thăm”. Theo lời ông Trung, thuở Quỳnh còn đi học, ông phải đóng riêng cho con một bộ bàn ghế mini đặt trong lớp. 

Mãi đến sau này, dù bước sang tuổi đôi mươi, nhưng mọi vật dụng sinh hoạt của Quỳnh, từ giường ngủ, bàn ghế cho đến kệ tủ, tất cả đều “tí hon”. Quỳnh tâm sự, hàng ngày khi ba mẹ đi làm hết, cô phải qua ở nhà bà nội (cách đó chừng 100m). Do sức khỏe yếu nên cô dường như không thể làm được việc nặng. Chúng tôi hỏi “Trong lúc rảnh rỗi, Quỳnh thường làm gì?”. “Lúc rảnh, em thường thêu tranh chữ thập để làm quà tặng cho mọi người”, Quỳnh cười đáp.

Thấy chúng tôi quan tâm đến hoàn cảnh của cô gái “tí hon” này, bà Phan Kim Phụng (69 tuổi, bà nội của Quỳnh) bộc bạch: “Ngày nào Quỳnh cũng qua nhà tôi chơi. Tội con bé, bạn bè thời tiểu học của nó đều đã có vợ, có chồng cả rồi. Chẳng có ai chơi cùng, Quỳnh chỉ bầu bạn được với người lớn tuổi như tôi. Nhiều lúc thấy cháu mình đã đến tuổi trưởng thành, nhưng phải mang hình hài đứa trẻ lên 5, tôi thấy xót xa lắm. Nhưng biết làm sao được khi số phận của cháu như vậy. Mong sao cháu vẫn luôn khỏe mạnh và sống vui vẻ là mừng rồi”.

Chia sẻ về hoàn cảnh của Quỳnh, ông Tư Khuyên, Trưởng ấp Bình Tả 2, cho biết, gia đình ông Trung chuyển đến sống ở ấp Bình Tả 2 đã được hơn 7 năm. Nhờ chịu khó phấn đấu làm ăn, khi về đây, vợ chồng ông Trung đã xây được nhà cửa đàng hoàng. Hồi họ mới đến đây sinh sống, người trong ấp cũng ngạc nhiên về cô con gái tên Quỳnh. Nhưng đến chơi riết rồi quen, gia đình ông Trung sống hòa đồng nên trong ấp ai cũng quý. Theo lời ông Khuyên, ấp đã giới thiệu trường hợp của Quỳnh lên hội Người khuyết tật huyện Đức Hòa. Ngay sau đó, tổ chức này cũng đã đến thăm hỏi và xét Quỳnh vào diện khuyết tật cần giúp đỡ, đồng thời, trợ cấp cho Quỳnh số tiền 360 ngàn đồng/tháng.

Cô gái “tí hon” suốt ngày chỉ đi quanh quẩn gần nhà

Người cha từng đi chiến trường

Qua trò chuyện chúng tôi được biết, trước khi lập gia đình, ông Trung từng có thời gian tham gia quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. “Năm 20 tuổi, là người lình thuộc nhập tỉnh đội Long An, và trong danh sách quân tình nguyện nước bạn. Mãi đến năm 25 tuổi, tôi trở về và lập gia đình. Tôi không biết có phải con tôi bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam hay không, chứ sức khỏe của tôi và vợ hoàn toàn bình thường”, ông Trung cho biết.

25 tuổi mới có giấy CMNDTrao đổi với chúng tôi về trường hợp của Quỳnh, ông Phạm Hoàng An, Phó Công an xã Đức Hòa Hạ cho biết: “Vài tháng trước, công an xã có cấp giấy chứng minh nhân dân cho cô gái Dương Thị Lương Quỳnh. Lúc đó, chúng tôi rất bất ngờ khi người cha Quỳnh đã 25 tuổi. Theo lời ông Trung, do thấy đứa con nhỏ quá, lại không đi đâu nên mãi đến năm 2015 gia đình mới đến xin cấp giấy chứng minh nhân dân cho Quỳnh. Theo tôi biết, đây là trường hợp đặc biệt và duy nhất tại xã Đức Hòa Hạ”.
                                                                                                                

Related Posts

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad