Người trong xã gọi gã là "ông hoàng" chế đồ phế thải. Họ bảo gã có cái đầu cực kỳ sáng tạo và một niềm yêu thích đặc biệt đối với những đồ cũ bỏ đi. Gã có thể biến những đồ mà mọi người bỏ đi thành những mòn đồ cực kỳ hữu ích cho bà con.
Tuổi thơ với sản phẩm đầu tay
Tìm đến cửa hàng của gã mới thấy những lời mọi người đồn đại quả không sai. Gã tên là Giáp Ngọc Hùng, 38 tuổi ở thôn 10, xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Lúc chúng tôi đến, gã đang lúi húi, tỉ mẩn với đống đồ lổn nhổn tại cửa hàng. Gã bảo đang "khám bệnh" mấy món đồ vừa mua của mấy bà đồng nát. Nghe tôi đề nghị viết bài, gã ngượng nghịu nói "Tui có gì đâu mà viết, mấy thứ linh tinh này thì đáng gì chứ".
Nói đoạn, gã dẫn chúng tôi thăm quan một vòng cửa hàng. Gã say sưa nói về những món đồ mà gã sáng tạo ra. Nào là hiệu điện thế, cảm ứng từ,...đại loại là những từ chuyên môn liên quan đến đồ dân dụng mà chúng tôi không hiểu hết được.
Gã có niềm yêu thích đặc biệt với đồ điện ngay từ nhỏ. Gã tò mò sửa chữa những thứ đơn giản trong nhà như: quạt điện, bình bơm thuốc sâu...từ hồi còn tí xíu. Gã bảo, chẳng hiểu sao học những môn khác thì gã không hiểu. Nhưng đến khi học về cơ điện, thầy cứ giảng đến đâu, bộ phận nào của sản phẩm, …là hắn nhớ rất rõ và học rất nhanh.
"Ông hoàng" chế đồ phế thải Giáp Ngọc Hùng
Gã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về sản phẩm chế tạo đầu tay của gã. Hồi gã học lớp 7, một lần theo chân mẹ đi gánh gạch thuê ở làng bên. Thấy mẹ và mọi người oằn vai cực nhọc gánh được vài viên gạch. Gã nhẩm rằng, chắc chắn phải có cách gì đấy để đỡ vất vả hơn. Nghĩ là làm, về nhà gã mày mò tìm những miếng gỗ thừa, rồi một bánh xe nhỏ đồ chơi, gã đục đẽo, lắp ghép lại thành một chiếc xe (gần giống xe rùa chuyên dụng hiện nay).
Xong xuôi, gã mang sản phẩm đi thử nghiệm. Mới đầu, mọi người nhìn gã và nói: "Oắt con, mày chỉ vướng chân, vướng cẳng chứ làm được gì". Thế nhưng, khi một mình gã đẩy đầy xe gạch chạy bon bon qua mọi người như không có chút gì nặng nhọc, mọi người trố mắt, trầm trầm trồ: "Ôi chao, một mình thằng nhóc mà làm được gấp 5 người lớn bằng chiếc xe lạ lạ kia". Gã thì phổng mũi, mẹ gã sung sướng cũng không kém.
Cũng trong năm đó, một lần khác theo mẹ đi bốc gạch. Chiếc xe vẫn giữ được tính hữu ích như mọi khi, nhưng lần này đoạn đường chở hàng dốc quá. Người gã thì nhỏ xíu, xe chở gạch thì đầy nên gã không kiểm soát được tốc độ mỗi khi xe xuống dốc. Thấy không ổn, tối về gã lại tỉ mẩn nghiên cứu, đục đẽo, lắp ráp ra bộ phanh để lắp vào xe. Rồi hôm sau, gã một mình vừa huýt sáo, vừa đẩy xe gạch xuống dốc mà không cần sự giúp đỡ của mẹ.
Kể đến đây, gã cười đùa rằng: "Biết thế ngày xưa đi đăng ký bản quyền, có khi chiếc xe rùa đó là xe đầu tiên ở Việt Nam cũng nên”. Gã bảo, nhờ chiếc xe đó mà gia đình gã đủ ăn, đủ mặc trong những năm tháng khó khăn. Nói đến đây, gã kéo chúng tôi ra góc vườn, chỉ cho chúng tôi xem sản phẩm đầu tiên ấy của gã. Quả thực chiếc xe tuy cũ kỹ nhưng chỉ cần sửa sang lại bánh xe là có thể sử dụng lại được.
Sau khi học xong cấp 3, gia đình định hướng cho gã đi học về hóa chất. Nhưng học xong, gã vẫn chỉ mê mẩn với đồ điện, gã quyết định rẽ ngang. Tự mở một cửa hàng nho nhỏ để sửa chữa đồ điện gia dụng tại nhà. Gã làm nghề đến nay cũng hơn 10 năm.
Sản phẩm hữu ích từ những đồ bỏ đi
Trò chuyện với gã về những sản phẩm do mình sáng tạo, gã nói rằng: “Do mọi người không hiểu hết được những công dụng và quy luật hoạt động của sản phẩm. Nên chỉ cần hỏng nhỏ là đã mang bỏ vứt đi, tui chỉ cần tháo ra cái là biết cái nào còn dùng được, cái nào không"
Gã thường xuyên đặt mua những sản phẩm của các bà thu gom đồng nát, đồ điện phế thải. Gã mua với giá cao hơn nhiều so với giá mà các bà đồng nát kia bán lại cho mối khác nên các bà “khoái”. Nhiều khi căn nhà của gã giống như ...bãi rác! Sản phẩm của gã làm ra hầu hết giá thành đều rất rẻ (trung bình từ 150.000 đồng - 200.000 đồng/sản phẩm).
Anh Hùng say sưa nói về những sản phẩm của mình
Trong số những sản phẩm gã làm, có bếp bễ và quạt thông gió hầu như nhà nào trong xã cũng đặt hàng của gã. Bếp của gã rất đặc biệt, dễ nhóm lửa, tiết kiệm thời gian đun nấu, có thể đun nấu được tất cả các loại nguyên liệu như: mùn cưa, gỗ, than,... Hơn thế nữa, với những nguyên liệu ấm ướt, hoặc củi tươi, bếp của gã hoàn toàn có thể ép nguyên liệu cháy ngay lập tức mà không hề có chút khói nào từ bếp bay ra.
Gã tự hào nói rằng "Có thời gian tôi làm không xuể vì nhiều người đặt hàng. Có lần một người quen trong miền Nam ra chơi, thấy sản phẩm của tôi hay quá, họ lấy một chiếc về dùng thử. Sau đó, có rất nhiều người trong đó gửi tiền ra đặt hàng bếp bễ của tôi".
Ngoài bếp bễ ra, gã cũng cho chúng tôi xem chiếc quạt thông gió mà gã tự chế được. Chiếc quạt của gã cũng rất đặc biệt, có thể điều chỉnh tốc độ to nhỏ tùy ý. Hơn nữa, ngoài việc chạy bằng điện lưới thông thường, khi mất điện sản phẩm này có thể chạy được bằng bình ắc quy.
Ngoài hai sản phẩm trên, gã còn chế tạo ra những sản phẩm khác như: Bình phun thuốc trừ sâu, máy tuốt lúa, máy băm rau lợn... Khi chế tạo những sản phẩm này, gã luôn trăn trở làm sao đồ dùng đó vừa bền mà giá cả phù hợp với người dân. Gã bảo cho đến nay, gã không thể nhớ hết được bao nhiêu sản phẩm của mình chế tạo và sửa chữa nữa. Chỉ biết rằng, từ lúc hành nghề tới giờ chưa có ai phàn nàn về sản phẩm của gã.
Tài năng được trả với giá “bèo”
Gã kể rằng, có không ít đơn vị, trường nghề về đây nhờ gã tư vấn sản phẩm để mang đi dự thi. Nhiều đơn vị đã đạt giải cao từ chính những sản phẩm mà gã đã tư vấn giúp. Nhưng nhiều khi gã cũng tủi thân, bởi sau khi họ giành được giải, không hề một lời cảm ơn. "Lần gần đây nhất, một nhóm sinh viên đến nhờ tôi tư vấn giúp về thiết kế robocon để tham dự cuộc thi. Tôi đã chỉ cho họ từng chi tiết, chỉ có điều, do chưa được học về điều khiển từ xa và chưa có thời gian nghiên cứu nên tôi không làm được chỗ đó. Nghe nói họ giành được giải, nhưng cũng không một cú điện thoại cảm ơn tôi", gã buồn rầu nói.
Cũng mới đây, giám đốc một công ty chuyên sản xuất máy Hàn mời gã về làm. Sản phẩm gã làm ra họ rất ưng ý, tuy nhiên họ lại trả cho gã đồng lương quá rẻ. Gã chán rồi bỏ về. Khi được hỏi về thu nhập của mình, gã nói rằng chỉ được khoảng 3 triệu/tháng thôi. Vì gã làm chủ yếu giúp bà con là chính.
Kể đến đây, gã "À" lên một tiếng rồi lụi cụi lục tung tủ đồ, rồi gã mang ra một sản phẩm, gã bảo, đây là đồ chống điện giật mà gã đang nghiên cứu. Gã tự tin nói rằng, gã đang lắp ráp thử và chắc chắn sẽ thành công.
Hỏi về mong muốn của mình, gã bảo, giá như có một doanh nghiệp nào đó mời gã về làm, có lẽ sản phẩm của gã sẽ còn tốt hơn rất nhiều. Gã còn bảo, từ lâu đã muốn gửi đề tài về chế tạo sản phẩm đồ gia dụng dự thi trên báo, trên đài truyền hình...nhưng công việc cứ bù đầu khiến gã không có thời gian để viết.
"Tôi thấy hắn giỏi lắm, nhiều lần mang quạt, đầu đĩa .. hỏng đến, chỉ cần miêu tả ngắn gọn là hắn biết bị lỗi ở đâu. Nhà tôi mua bếp bễ của hắn đến nay gần 7 năm mà chưa bị hỏng lần nào", anh Minh, 42 tuổi, xã Nghĩa Trung, huyện Tân Yên nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét