Tờ Huffingtonpost của Mỹ đã thực hiện một chuyên đề đặc biệt về nỗi đau của người mẹ có con tham gia phiến quân IS, thực hiện các hành động khủng bố. Bài báo đã đạt được lượng người đọc kỉ lục. Bài báo bắt đầu bằng dòng chia sẻ: Những đứa con đã bỏ họ để gia nhập tổ chức khủng bố tàn độc nhất trên thế giới. Giờ đây, họ không những sống trong nỗi đau mất con mà còn bị bao vây bởi sự hiểu lầm và phán xét. Họ thường xuyên dằn vặt bản thân, ngồi khóc trong bóng tối và trong cả giấc ngủ.
Trái tim rỉ máu của người mẹ
Tại thành phố Calgary, Canada: Trở về nhà sau những giờ làm việc vất vả từ quầy thu ngân, bà Christianne Boudreau dùng mọi thời gian rảnh rỗi xem các đoạn video của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Christianne theo dõi những đoạn clip của IS. Những hình ảnh trên màn hình máy tính khiến bà trào nước mắt. Bà ngồi xem tại một căn phòng khang trang, nằm trong căn hộ thuộc tầng lớp khá giả, căn phòng vốn thuộc về con trai lớn của bà, Damian. Christianne xem những vụ đấu súng, những vụ xử tử. Điều Christianne chờ đợi trong các video là những gương mặt của những kẻ khủng bố ẩn giấu sau lớp mặt nạ. Bà đang cố gắng tìm kiếm ánh mắt của đứa con trai.
Ở Copenhagen, Đan Mạch: Karolina Dam đang sống trong lo sợ. Con trai của bà, Lukas, đã tới Syria cách đây 7 tháng. Mấy ngày trước, bà nhận được tin báo, Lukas đã bị thương ở Aleppo (TP. lớn nhất Syria), nhưng với linh cảm của một người mẹ, bà nghĩ, con trai mình đã chết. Những tin nhắn qua Viber gửi đến số của Lukas không được cậu hồi đáp, thay vào đó là những lời cợt nhả. “Mẹ yêu con rất nhiều, con trai của mẹ.
Mẹ nhớ con và muốn ôm con, muốn nắm lấy bàn tay mềm mại của con và cười với con”, tin nhắn gửi đi 1 tháng sau mới có trả lời, nhưng không phải là con trai bà, có người nhắn: “Cầm tạm tay tôi được không?” Bà Dam không hiểu tại sao ai đó lại dùng điện thoại của con trai mình, nhưng vì mong muốn có tin tức, bà nhắn lại: “Được chứ, nhưng tôi muốn cầm tay của Lukas nhất”. Đáp lại mong muốn đó, người kia trả lời: “Con trai bà giờ đã thành trăm mảnh rồi!”
Cách đó không xa, tại Thụy Điển, Torill: Đang suy sụp vì biết tin Thom Alexander, con trai mình đã chết. Torill đã kết nối với kẻ đã đưa con trai mình sang IS để hỏi thêm thông tin. Hai người con khác của bà đã đến gặp kẻ tuyển quân này tại ga tàu Oslo. Kẻ tuyển quân đã đưa cho họ xem những bức ảnh gây sốc trên chiếc iPad: Thom Alexander bị bắn vỡ đầu. Thông tin này khiến bà Torill không thể gượng dậy trong nhiều tuần liền. Bà Torill nói: “Vỡ vụn, như một chiếc bình”. Với hy vọng hàn gắn vết thương lòng, Torill đã phải tìm đến bác sỹ tâm lý nhưng lời khuyên của ông bác sỹ này như một nhát dao đâm vào vết thương đang rỉ máu. Ông nói với bà: “Tất cả những kẻ tham gia IS đều xứng đáng lĩnh một viên đạn vào đầu”.
Những bà mẹ đau khổ Christianne Boudreau, Torill, Karolina Dam và Saliha Ben Ali
Brussels, Bỉ: Saliha Ben Ali là một người Hồi giáo. Bà thực hành niềm tin của mình rất lặng lẽ nhưng con trai thứ hai của bà, Sabri lại khác. Tháng 8/2013, Sabri đã giấu gia đình bỏ nhà đi Syria để tham gia thánh chiến. Qua facebook, bà Ben Ali đã cố gắng tranh luận với con trai mình nhiều tháng liền về khái niệm thánh chiến, đối với bà, cuộc chiến ở Syria không phải là thánh chiến mà là một cuộc nội chiến. Nhưng đáp lại những lý lẽ đó, Sabri nhắn ngắn gọn: “Chúng ta sẽ gặp nhau trên thiên đàng”. Vài ngày trước, gia đình Ben Ali nhận được cuộc điện thoại từ Syria. Một người đàn ông thông báo rằng, người con trai 19 tuổi của bà đã chết. Ben Ali đổ bệnh. Những cơn đau như một phản ứng của cơ thể người mẹ khi đón nhận cái chết của đứa con mình đã mang nặng đẻ đau.
Đơn độc, quằn quại trong đau đớn
4 người mẹ trên chỉ là những điển hình trong hàng nghìn phụ huynh đã mất con cho IS. Kể từ khi chiến tranh ở Syria nổ ra vào năm 2011, khoảng 20.000 người nước ngoài đã đến Syria và Iraq để đầu quân cho IS, trong đó có 3.000 công dân phương Tây. Phần lớn những thanh niên này đều âm thầm trốn nhà theo IS, khiến cho cha mẹ họ sống trong đau khổ và dằn vặt, cùng với đó là sự tủi hổ với bạn bè và hàng xóm vì đứa con mình đã sinh ra. Rất nhiều bà mẹ có cùng chung cảnh ngộ đã tập trung lại, cùng chia sẻ thông tin và an ủi nhau.
Nói về gia đình mình, Christianne Boudreau cho biết, chồng của bà đã bỏ đi khi con trai lên 10 tuổi. Từ đó, Damian, con trai bà bị trầm cảm và tự hủy hoại mình hàng ngày. Người bạn duy nhất của cậu là chiếc máy tính. Khi 17 tuổi, Damian đã có ý định uống thuốc ngủ tự tử. Một thời gian sau khi sức khỏe phục hồi, Damian nói cậu phát hiện ra kinh Quran và muốn cải đạo. Boudreau khuyến khích con trai vì thấy cậu ngày càng cởi mở hơn. Nhưng không lâu sau đó, bà nhận thấy những thay đổi rõ rệt trong nhận thức và thái độ của Damian. Cậu không ăn tối cùng gia đình nếu thấy trên bàn ăn có rượu vang, thường xuyên úp mở khi trả lời điện thoại và tuyên bố đàn ông được phép có nhiều vợ.
Mùa hè năm 2012, Damian nói muốn sang Ai Cập học tiếng Ả Rập để trở thành tín đồ Hồi giáo nhưng thực chất là đến Syria để gia nhập IS. Trong một cơ hội hiếm hoi trao đổi với con trai vào năm 2013, Boudreau khẩn cầu con trai mình trở về nhưng Damian thẳng thừng từ chối và tiết lộ rằng, ở Syria, cậu đã có vợ và một ngôi nhà. Để thuyết phục con trai, Boudreau hỏi Damian thấy sao nếu em trai theo bước cậu gia nhập IS, Damian trả lời rằng, cậu thấy tự hào. Một năm sau, Boudreau nhận được thông tin tiếp theo của con trai, nhưng lần này là tin báo tử. Damian đã bị một nhóm nổi dậy ở Syria xử tử.
Sau khi nhận tin dữ, Boudreau bị mất ngủ và khóc suốt ngày. Tuy tâm trạng xuống dốc nhưng bà không hề nhận được sự an ủi của những người xung quanh. Những người thân lặng lẽ rời xa bà. “Mọi người nói rằng, tôi bị ám ảnh bởi cái chết của Damian và tôi là một bà mẹ tồi khi sinh ra một đứa con như vậy”, Boudreau chia sẻ.
Những cơn ác mộng vẫn ám ảnh Boudreau hàng đêm. Trong mơ, bà nhìn thấy Damian ngồi bên cạnh. Bà mắng con trai vì cậu đã hủy hoại bà, hủy hoại gia đình và vì cậu đã chết còn bà thì sống không bằng chết. Rồi bà tỉnh dậy trong đầm đìa nước mắt. Cuộc sống hàng ngày của bà cứ lặp lại như vậy. Nhìn tới tương lai, Boudreau không thấy gì ngoài sự đau khổ. Người mẹ này cũng nói rằng, nếu biết trước, bà thà không sinh con.
Chỉ mong con …chết
Valerie là người mẹ duy nhất có con vẫn còn sống. Con gái 18 tuổi của bà, Lea (không phải tên thật) đang sống đâu đó ở Aleppo (Syria). Khi 16 tuổi, Lea đã gặp một người đàn ông Algeria 22 tuổi, một người Hồi giáo cực đoan. Tháng 6/2013, Lea ôm và hôn mẹ cô sau bữa ăn tối rồi ra khỏi nhà và biến mất. Valerie nghĩ rằng, cô đã bị bắt cóc, nhưng Lea và chồng đã tìm được đường đến Syria. Valerie cầu xin con gái mình trở về nhưng bà cũng hiểu rằng, xét một góc độ khác, Lea không còn là đứa con của bà nữa. Trong các cuộc gọi điện thoại và các cuộc trò chuyện, Lea nói chuyện như con robot được lập trình sẵn. Khoảng mười tháng trước, Lea đã sinh một bé trai và cách nói chuyện đã phần nào thay đổi. Đôi khi cô ấy hỏi Valerie những lời khuyên và Valerie tin rằng, con gái mình hiểu ra nhiều điều khi cũng là một người mẹ. Tuy nhiên, Valerie biết, nếu bà có thể giải cứu Lea và em thì nhiệm vụ tái hòa nhập cộng đồng của Lea gần như bất khả thi. Những suy nghĩ này làm Valerie kiệt sức, cuối cùng, bà nói trong nước mắt: “Nếu họ nói với tôi rằng con gái tôi đã chết, như thế còn dễ dàng hơn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét