Post Top Ad

Post Top Ad

dua-con-tat-nguyenga-trong-nuoi-conGóc gia đìnhGóc tâm sựGóc tâm tình

Đau lòng đôi vợ chồng “nhường” nhau nuôi đứa con tật nguyền

Họ đến với nhau bằng tình yêu và bằng một đám cưới tràn đầy hạnh phúc. Thế nhưng, sau khi chung sống, hai vợ chồng đã nảy sinh nhiều bất đồng, dẫn đến mâu thuẫn dai dẳng. Không thể hòa hợp, họ quyết định gửi đơn ly hôn ra tòa án. Thật đau lòng là trong phiên tòa, hai vợ chồng trẻ ai cũng đưa ra lý do không đủ điều kiện để “nhường” quyền chăm sóc đứa con tật nguyền cho người kia. Cứ như vậy, người nọ đùn đẩy cho người kia trách nhiệm nuôi nấng đứa con tội nghiệp…

Gà trống nuôi con

Được biết, anh Lê Thành P. (SN 1981) nên duyên chồng vợ cùng chị Đinh Thị T. (SN 1989) từ năm 2009 (ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Mới đầu, hai vợ chồng sống với nhau rất hạnh phúc. Niềm hạnh phúc đó như được nhân đôi từ khi chị T. sinh được một cậu con trai đặt tên là L.P.H. 

Anh Lê Thành P.

Thế nhưng, không may cháu H. sinh ra đã bị dị tật bẩm sinh (không đi được, không nói được). Những năm đầu, vợ chồng anh P. chị T. luôn dành sự chăm sóc tốt nhất cho con trai. Tuy nhiên, cuộc sống không như ý, những bất đồng dần nảy sinh với họ. Đến năm 2011, hai vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi vã nhau. Nhiều lần cố gắng hàn gắn nhưng không thành, vợ chồng anh P. quyết định ly hôn để mỗi người có cuộc sống riêng được tốt hơn. Lẽ thường, những bà mẹ khi ly hôn đều muốn dành quyền nuôi con nhưng chị T. lại không nằm trong số đó. 

Chị T. không nhận nuôi đứa con tật nguyền của mình nên cuối cùng anh P. phải nuôi. Trong căn nhà nhỏ nơi anh P. đang sống cùng bố mẹ, PV thấy đứa trẻ ú ớ ngồi chơi trong chiếc cũi. Bên cạnh cháu H. là một người đàn ông ngồi hướng đôi mắt bần thần nhìn ra cửa. Qua lời giới thiệu của anh P., chúng tôi mới biết đó là bố đẻ của anh, ông mới bị tai biến cách đây không lâu. Sau biến chứng, giờ ông cũng chỉ đi lại chập chững như một đứa trẻ với cây gậy trong tay chứ cũng không làm được việc gì. 

Anh P. trải lòng: “Kể từ ngày tôi lấy vợ đến nay đã là 6 năm và có được một cậu con trai 5 tuổi. Sau khi sinh được 6 tháng thì gia đình mới phát hiện cháu H. có những biểu hiện bất thường. Cháu khó khăn trong vận động như chậm lật, chậm nói… Từ đó tới giờ con tôi chỉ ngồi một chỗ, không thể đi lại cũng như không nói được. Mọi sinh hoạt của cháu đều phụ thuộc vào người thân”.

Cháu L.P.H .5 tuổi) chỉ biết ngồi một chỗ trong cũi ngơ ngác nhìn xung quanh.

Sau một thời gian, cuộc sống vợ chồng của hai người liên tục xảy ra mâu thuẫn, nhiều lần chị T. bỏ về bên ngoại ở xã Hương Thủy (huyện Hương Khê) sinh sống. Theo lời anh P., những lần bỏ nhà đi đó, chị T. không đoái hoài gì đến đứa con nhỏ. Thương con, giận vợ, nhiều lần anh P. xuống nước năn nỉ vợ về chăm con nhưng chị T. vẫn “chứng nào tật nấy”. “Cảm thấy cuộc sống hôn nhân không thể kéo dài được nữa nên đến ngày 1/10/2014, tôi quyết định viết đơn xin ly hôn để giải thoát cho cả hai, anh P. tâm sự.

Sau khi tiếp nhận đơn xin ly hôn của vợ chồng anh P., đến ngày 6/2/2015, tòa án quyết định đưa vụ án ra giải quyết. Ngay tại phiên tòa, anh P. cũng nêu ra lý do vì hoàn cảnh hay đi công tác nên khó có thể đưa cháu ra ngoài sống cùng được. 

Nếu để ở nhà cho ông bà nội chăm sóc thì cuối tuần anh mới về thăm con được một lần, hơn nữa, hai người đều đã già cả, bệnh tật, khó có thể chăm sóc được cho cháu H. được chu đáo. Ngoài ra, anh P. chấp nhận sẽ thực hiện việc cấp dưỡng cho cháu mỗi tháng 2 triệu đồng nếu vợ nuôi con nhưng chị T. không đồng ý. Người mẹ này từ chối việc nuôi con và chỉ chấp nhận cấp dưỡng cho cháu mỗi tháng từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Nhiều lần thuyết phục vợ nuôi con không thành, lại thấy chị T. khăng khăng chối bỏ nên anh P. quyết định nhận chăm sóc và nuôi dưỡng con trai.

Hiện tại, cháu H. đang sống cùng ông bà nội, mọi sinh hoạt của cháu đều do bà chăm sóc. Tuy nhiên, bà cũng chỉ tranh thủ chăm sóc em vào những lúc rảnh rỗi. Mỗi buổi sáng, bà đi bán hàng ở ngoài chợ, đến giữa trưa mới tranh thủ về tắm rửa và cho cháu ăn uống. H. chỉ biết ngồi trong cái cũi chơi một mình với vẻ mặt ngây dại. 

Ngoài việc chăm sóc H., bà nội em còn phải lo cho ông nội vì căn bệnh tai biến kéo dài nhiều năm. Anh P. cho biết thêm: “Ở nhà tôi, giờ hai người bệnh ngồi chăm nhau. Vì hoàn cảnh công tác xa nên từ khi nhận nuôi cháu, tôi cũng phải đi kiếm sống, một tuần chỉ tranh thủ về được vài ba lần, chứ không thể ở nhà mãi với cháu được. Gia đình chúng tôi cũng đã tính thuê người chăm sóc cả hai ông cháu nhưng chưa tìm được. Mọi việc trong nhà chỉ dựa vào mẹ tôi đã 70 tuổi vừa chạy chợ, vừa chăm chồng, chăm cháu”.


Lạnh lùng tình mẫu tử

Sau khi phiên tòa kết thúc vào tháng 2, chị T. buộc phải cấp dưỡng cho con mỗi tháng 1 triệu đồng kể từ tháng 6 đến suốt đời. Thế nhưng theo lời anh P., cho tới thời điểm hiện tại, chị T. mới đến thăm con một lần và chưa hề cấp dưỡng một đồng nào cho cháu H.

Ông Phan Văn Tiến, Phó Chi cục trưởng chi cục Thi hành án huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Sau khi ly hôn, chị T. về sống chung cùng với bố mẹ đẻ ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê. Từ khi bản án của Tòa có hiệu lực, chị T. không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của mình với cháu H. Trên cơ sở đó, cơ quan thi hành án đã có buổi làm việc và xác minh tài sản riêng của chị T. để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Nhưng qua xác minh, hiện trạng tài sản chị này chỉ có một chiếc xe máy đang sử dụng để đi lại thuộc quyền sở hữu của mẹ đẻ. Hiện, chị T. đang bán thuê tại quầy thuốc tây cho mẹ tại xã Hương Thủy. Với một người bán hàng thuê, chúng tôi khó có thể xác định thu nhập của chị T. là bao nhiêu”.

Được biết, cách đây 5 tháng, chị T. đã kịp xây dựng tổ ấm mới cho mình. Liên quan đến nghĩa vụ thi hành án của chị T., anh P. cho biết: “Tôi cũng đã làm đơn đề nghị bên cơ quan thi hành án sớm xác minh tài sản và yêu cầu chị T. thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”.



“Sao có thể vô trách nhiệm đến vậy?”


Thẩm phán Lê Văn Phú TAND huyện Hương Khê tâm sự: “Tôi đã tham gia xét xử cả trăm vụ án nhưng phiên xử ly hôn giữa anh P. và chị T. đã khiến tôi trăn trở mãi cho tới bây giờ, bởi nhận thấy tình nghĩa vợ chồng, trách nhiệm đối với con cái của họ “sao quá mong manh, hời hợt”. Sau 6 năm chung sống, họ không có tài sản chung nên không yêu cầu tòa giải quyết. Tuy nhiên, trách nhiệm chăm sóc cậu con trai 5 tuổi thì ai cũng “né” vì mỗi người có một lý do riêng. Sau lời từ chối nhận nuôi của họ, cả phiên tòa hôm có tới hơn 40 người với ánh mắt ứa lệ nhìn đứa trẻ 5 tuổi nằm trong chiếc xe đẩy có khuôn mặt ngơ ngác, không biết nói, chỉ biết đưa ánh mắt vô hồn nhìn xung quanh. Khi nghe lời khuyên giải của nhiều người thân, anh P. nhận trách nhiệm nuôi con, đồng thời yêu cầu chị T. cấp dưỡng mỗi tháng 2 triệu đồng để thuê người chăm sóc. Đáp lại chị T. chỉ đồng ý chu cấp mỗi tháng 500 ngàn đồng, sau đó tòa quyết định chị T. phải đưa cho anh P. mỗi tháng 1 triệu đồng để nuôi con. Kết thúc phiên tòa, để lại cho tôi nỗi buồn và thất vọng khi nghĩ về những bậc làm cha, làm mẹ sao thờ ơ và vô trách nhiệm đến vậy”.
                                                                                  

Related Posts

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad