Bị liệt hai chân, sau một trận ốm “thập tử nhất sinh”, nhưng cậu bé Chu Vinh Đức không chịu khuất phục số phận. Bằng ý chí và sự đam mê học hỏi, Đức đã tự kiếm sống bằng nghiệp vẽ và lấy niềm vui dạy tiếng Anh cho trẻ con trong vùng để làm động lực sống. Cảm phục nghị lực sống của chàng họa sĩ tật nguyền, một cô gái xinh đẹp đã tình nguyện lấy Đức làm chổng. Nghị lực phi thường của chàng trai tật nguyền đã giúp anh có cuộc sống hạnh phúc và trở thành niềm tự hào, là tấm gương cho nhiều thanh niên học tập
Vượt lên số phận tật nguyền
Chúng tôi tìm đến xưởng vẽ tranh của vợ chồng Chu Vinh Đức (SN 1979) và chị Nguyễn Thị Thu Huyền, trú phường Lê Lợi, TP.Vinh (Nghệ An), hai nhân vật chính trong câu chuyện tình đẹp một thời gây ấn tượng đối với người dân xứ Nghệ. Vừa vẽ tranh, anh Đức bắt đầu kể lại chuyện tình đầy cảm động của mình.
Chu Vinh Đức lúc mới sinh, vốn bụ bẩm và khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Nhưng lên 4 tuổi, Đức bị một trận ốm “thập tử nhất sinh”. Sau trận ốm, Đức bị biến chứng, hai bàn chân của Đức đột nhiên không thể cử động được. Hốt hoảng, gia đình liền đưa Đức đi chữa trị khắp nơi, từ Bệnh viện Nhi Thụy Điển - Hà Nội, đến tận Sài Gòn. Nhưng đôi chân của Đức đã không tự đứng lên được, sau biến chứng đó.
Đến tuổi đi học, khi các bạn cùng trang lứa được cắp sách đến trường, thì Đức lại phải mang thân phận của một người tàn tật. Nhưng khát vọng về con chữ vẫn luôn nồng cháy trong tâm hồn cậu bé này. Thời điểm đó, Đức học chữ bằng cách mỗi khi các bạn sang nhà chơi, Đức lại nhờ các bạn dạy chữ cho mình. Nhớ lại kỷ niệm này, ông Chu Công Bình (SN 1952), bố Đức, chia sẻ: “Đêm nào không giải được bài, nó lại nằng nặc bắt tôi bế sang nhà bạn nhờ hướng dẫn. Chiều con nên tôi không chút nề hà”. Bằng trí thông minh và nghị lực tuyệt vời, dù không được đến trường, không được thầy cô kèm, Đức vẫn tự mày mò, học hết chương trình THPT, cùng các bạn trong xóm.
Không chỉ ham học văn hóa, Chu Vinh Đức còn có niềm đam mê kỳ lạ với môn vẽ. Tập cầm bút vẽ từ lúc 5 tuổi, nét vẽ đầu tiên của Đức khiến nhiều người ngạc nhiên bởi nó đơn giản nhưng rất có hồn. Đáp ứng đam mê của con, gia đình đã xin cho Đức vào học ở Nhà văn hóa Thiếu nhi tỉnh Nghệ An. “Vẫn biết mình thua thiệt, không bằng bạn, bằng bè bởi bệnh tật và sức khỏe không cho phép. Nhưng được đến trường học vẽ, thỏa niềm đam mê của mình là điều tôi thấy hạnh phúc nhất”, Đức chia sẻ.
Đến năm 1996, Đức đã quyết định vào thành phố Hồ Chí Minh cùng bố của mình để chữa trị đôi chân bằng phương pháp phục hồi chức năng. Trong thời gian này, hai bố con phải thuê phòng trọ để sinh sống. Cuộc sống chật vật khi số tiền chữa bệnh ngày càng nhiều, nên ông Bình quyết định làm thêm nghề xe ôm kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.
Quyết tâm trở thành họa sĩ
Chứng kiến nỗi vất vả của bố, Đức càng quyết chí chữa bệnh hơn. Dù phải chịu nhiều đau đớn từ các bài tập phục hồi chức năng, nhưng niềm đam mê với hội họa vẫn nồng cháy trong tâm hồn chàng trai này. Và khát khao của chàng trai bệnh tật đã được chắp cánh khi Đức quyết định đến học vẽ một họa sĩ nổi tiếng tên Hạnh. Nhìn Đức rụt rè, yếu ớt lê chân trên chiếc nạng gỗ vào xưởng vẽ, ông Hạnh lắc đầu: “Cậu về đi, tôi không có ý định dạy nghề cho ai cả”. Năn nỉ, thuyết phục mãi cũng không lay chuyển được quyết định của ông Hạnh, Đức xin phép hàng ngày được đến xưởng vẽ để ngồi xem các họa sĩ vẽ tranh. Cứ thế, ngày ngày Đức kiên trì lê đôi chân tật nguyền đến ngồi hang giờ trong xưởng vẽ, say mê nhìn các họa sĩ vẽ tranh. Sự đam mê, long kiên trì của chàng trai khuyết tật đã khiến người họa sĩ già cảm động, ông phá lệ nhận Đức làm học trò.
Tiếng là nhận làm học trò nhưng ông Hạnh để Đức tự học, tự cảm nhận màu sắc, hình khối, bố cục từ các bức tranh của ông hay các tác phẩm hội họa nổi tiếng khác. Người em trai của ông Hạnh, cũng là họa sĩ, vì cảm phục Đức nên đã âm thầm truyền dạy kiến thức hội họa cho anh. Cứ thế, Đức bồi đắp kiến thức hội họa và niềm đam mê bằng cách riêng của mình. Khi có được kiến thức cơ bản về hội họa, Đức quyết định học thêm ngoại ngữ.
Xưởng tranh nhỏ, nơi Chu Vinh Đức “vẽ” lên nhiều ước mơ đẹp
Khi được hỏi tại sao bị tàn tật nhưng vẫn theo đuổi học ngoại ngữ, Đức cười hiền chia sẻ: “Thời gian học việc ở Sài Gòn, tôi nhận thấy khách Tây đến thuê thợ chép tranh rất nhiều. Nếu mình không biết ngoại ngữ thì rất bất lợi. Nhất là khi đó tôi cũng có ý định mở riêng cho mình một xưởng vẽ tranh ở TP.Vinh. Thế là tôi quyết tâm đi học tiếng Anh. Thực ra, hồi ở quê tôi đã học tới bằng C tiếng Anh rồi, nhưng vào đây sát hạch lại, tôi thấy giao tiếp của mình còn kém nên phải học lại từ đầu”. Lên kế hoạch xong, mỗi ngày Đức thực hiện một buổi đi vật lý trị liệu, một buổi đến xưởng vẽ, tối về đi học tiếng Anh. Khi vốn tiếng Anh đã hòm hòm, kiến thức hội họa chưa giỏi nhưng cũng đủ để kiếm cơm, Đức quyết định về quê lập nghiệp. Đó là vào năm 2000.
Tại quê nhà, Đức quyết định mở một xưởng vẽ tranh. Ban đầu chỉ là vẽ tranh chân dung truyền thần. Sau đó, theo yêu cầu của khách hàng, Đức quyết định chuyển sang chép tranh. Nhưng ở Vinh, không nhiều khách Tây thuê chép tranh như trong Sài Gòn, nên cơ hội nói tiếng Anh của Đức không có. Không muốn ngôn ngữ này bị mai một, Đức đã tự mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho nhiều em nhỏ. Nhưng lớp học ngoại ngữ từ thiện này chỉ duy trì được đến khi Đức lấy vợ, sau khi lập gia đình Đức đã nghỉ dạy.
Trong số hàng trăm tác phẩm mà Chu Vinh Đức đã thực hiện sau 13 năm mở xưởng, bức tranh mà anh tâm đắc nhất chính là bức chân dung về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi có ý tưởng vẽ về vị Đại tướng của dân tộc, Đức đã phân vân rất nhiều vì không biết lấy tấm ảnh nào làm tâm điểm. Nhờ có người giới thiệu, anh đã liên lạc với nhiếp ảnh gia Xuân Hồng ở Hà Nội, người chuyên chụp ảnh về Đại Tướng, để xin một bức ảnh ý nghĩa nhất. Và cuối cùng Đức đã chọn bức ảnh “Nhớ Bác” để thực hiện. Phải mất 10 ngày đêm cặm cụi với những đường nét và bột màu, anh mới hoàn thiện bức ảnh. Tác phẩm đó được đưa ra Hà Nội và chính Đại tướng đã ký tặng làm kỷ niệm. Đó là niềm vui lớn đối với chàng họa sĩ tật nguyền.
“Vẽ” lên hạnh phúc đời mình
Thời điểm đó, Võ Thị Thu Huyền (SN 1990) từ Diễn Châu vào Vinh làm công nhân cho một xưởng gỗ gần nhà Đức. Từ cái nhìn đầu tiên, cô bé xinh xắn đã hớp hồn chàng họa sĩ khuyết tật. Đức vẽ bức chân dung của Huyền rồi tặng lại cho cô, coi đó như món quà làm quen. Thế rồi tình yêu giữa cô công nhân và chàng họa sĩ tật nguyền chớm nở, nhưng hai người không nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình Huyền, bởi mọi người sợ một cô gái trẻ như Huyền chưa lường hết sự vất vả, khó khăn khi gắn bó với một người khuyết tật như Đức. Nói về tình yêu của mình, Đức tâm sự: “Dù không phải là tình yêu sét đánh, nhưng ngay từ lần gặp đầu tiên chúng tôi đã mến nhau. Tôi nghĩ đó là duyên số…”.
Lúc Huyền đưa anh Đức về giới thiệu, bố mẹ chị kịch liệt phản đối. Quyết tâm lấy anh Đức làm chồng, Huyền đã kiên trì thuyết phục được bố mẹ mình cho hai người tổ chức đám cưới. Một đám cưới giản dị, ấm áp diễn ra vào cuối năm 2010. Từ ngày lấy chồng, Huyền bỏ công việc ở xưởng gỗ, ở nhà phụ chồng vẽ tranh, giao hàng hay giao dịch với khách.
Chàng họa sĩ tật nguyền có nghị lực phi thường
Trong xưởng vẽ với ngổn ngang các tác phẩm còn dang dở, đôi tay Đức cứ nhẹ nhàng đưa các nét bút đều đặn, vừa vẽ anh vừa tâm sự: “Ngoài việc vẽ tranh tôi kinh doanh thêm một số mặt hàng mỹ nghệ, cố gắng kiếm tiền để làm từ thiện. Bản thân là người tàn tật, nên phần nào tôi thấu hiểu nỗi đau và thiệt thòi mà người tàn tật phải gánh chịu”. Khi được hỏi vừa làm ông chủ, vừa làm thầy giáo và giữ nhiều chức vậy, anh sắp đặt thời gian như thế nào? Chàng họa sĩ khiêm tốn: “Tuy bị tàn tật, việc di chuyển có khó khăn, nhưng nếu mình biết cách sắp xếp thời gian một cách khoa học, thì sẽ làm được mọi thứ thôi !”.
Đức cũng cởi mở chia sẻ về những dự định trong tương lai: “Sắp tới tôi có dự định sẽ thành lập thêm một xưởng vẽ mới, để dạy dạy học cho các trẻ em mồ côi, tật nguyền. Tất nhiên dự định đó sẽ rất cần sự trợ giúp của Trung tâm khuyết tật tỉnh nhà”. Đức cho biết, để có được những thành công nhất định như ngày hôm nay, gia đình là một hậu phương vững chắc để anh có thể “vẽ” được cho mình những ước mơ đẹp.
Xứng đáng là tấm gương sáng
Năm 2002 Chu Vinh Đức vinh dự được chọn là đại diện duy nhất của tỉnh Nghệ An, tham dự Hội nghị Người tàn tật quốc tế tại Osaka, Nhật Bản. Ở đó, anh còn được nhiều bạn bè quốc tế biết đến là một người phiên dịch cho Đoàn Đại biểu Việt Nam. Năm 2011, Đức vinh dự được bầu là Thanh niên tiêu biểu của thành phố. Không chỉ vậy, tháng 7/2012, chương trình từ thiện của Hạm đội 7, thuộc Hải quân Mỹ, khi dừng chân tại Nghệ An cũng đã mời Đức làm phiên dịch viên. Hiện Đức đang đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như: Phó Chủ nhiệm Ban Văn nghệ Câu lạc bộ Người khuyết tật TP.Vinh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người khuyết tật phường Lê Lợi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét