Chi tiền triệu “săn” gà trống thiến
Chúng tôi được nghe câu chuyện bất ngờ về cuộc săn lùng gà trống thiến từ một doanh nhân tên Lê Mạnh Hà (48 tuổi, ở quận Hà Đông, TP.Hà Nội). Chia sẻ với PV, anh Hà cho biết, để hòa mình vào thú chơi này, điều quan trọng là sự tỉ mỉ và tinh tế khi chọn gà. Có như vậy khi dâng lễ cúng sẽ không bị “ân trên” quở trách, công việc được may mắn, trôi chảy. Không chỉ giới buôn bán, làm ăn mà nhiều gia đình có điều kiện cũng muốn “săn” gà trống thiến làm lễ vật để tỏ độ chịu chơi của mình. “Có năm, tôi tốn vài chục triệu đồng mua cả đàn gà trống thiến để làm đồ cúng, trong đó có cả tiền thuê thiến và chăm sóc gà từ khi gà tập gáy. Nhưng chừng ấy bõ bèn gì so với những người khác. Để được may mắn, buôn bán hanh thông thì, giá nào người ta cũng chịu hết”, anh Hà nói.
Thấy PV vẫn chưa hiểu, anh Hà dẫn PV về nhà để có thể “mở rộng tầm mắt”. Sau khi nhâm nhi vài tách trà, anh Hà chạy vội vào phòng ngủ lục lọi và đưa cho PV xem một bản hợp đồng được viết tay nguệch ngoạc, có chữ ký của một người tên Vinh. Kèm theo đó, anh Hà cho tôi xem một số tấm hình. Anh bảo: “Đây là biên bản bàn giao gà trống thiến của tôi cho một chủ cơ sở thiến gà có tiếng ở Lục Ngạn (Bắc Giang). Còn đây là hình ảnh của các chú gà trống lúc chưa bị thiến được tôi chụp lại. Tôi sẽ dùng ảnh này để đối chiếu khi mình nhận gà xem có thay đổi gì không. Gà tôi chọn là giống gà Mía được lai với gà Ri nên có màu lông đẹp, mắt sáng, nhanh nhẹn, chân vàng và mào to, đỏ cờ. Gà của tôi vừa được thuê thiến cách đây một tuần, giờ đang nhờ người chăm sóc vỗ béo đến khoảng 20/12 (âm lịch) mới đưa về nhà”.
Qua tìm hiểu, PV được biết, chi phí anh Hà bỏ ra để mua gà chỉ khoảng 500 nghìn đồng/con, công cho thợ hơn 100 nghìn đồng/lượt thiến, nhưng chi phí cho cơ sở chuyên vỗ béo và chăm sóc gà nhiều hơn. Anh Hà nhẩm tính, riêng tiền công chăm sóc là 50 nghìn đồng/ngày. Từ giờ đến Tết, gà của anh phải gửi lại cho cơ sở kia mất gần hai tháng. Chưa kể tiền thức ăn kiêng theo khẩu phần, chi phí khám bệnh, thuốc bổ cho gà.
Tuy nhiên, theo anh Hà, để “săn” được gà thiến “sạch” không phải là chuyện dễ. Anh Hà nói: “Một kinh nghiệm là lúc gà chưa bị thiến và bàn giao cho cơ sở nuôi, người nào nhanh trí, họ sẽ chụp lại ảnh những chỗ đặc trưng nhất của gà nhà mình. Sau này có thể lấy đó để đối chiếu. Nhiều cơ sở vẫn cho khách đánh dấu ở chân hoặc bấm “hoa tai” trên mào, nhưng cũng không tin tưởng được. Bởi họ có thể đánh tráo gà chuẩn của mình bằng gà tạp”.
Cũng theo anh Hà, thú chơi này nghe có vẻ kỳ công nhưng thực chất cũng chỉ mất thời gian đầu đi chọn gà. Sau đó, chỉ cần “bơm” tiền đều đặn thì các cơ sở sẽ có chế độ chăm sóc phù hợp cho gà. Việc này được thực hiện theo loại hình trọn gói. Tùy vào số tiền mà khách đầu tư, các cơ sở sẽ có những chế độ phù hợp với từng loại gà và yêu cầu của chủ.
Hốt bạc bằng nghề chăm sóc, “triệt sản” cho gà
Nghề nuôi gà trống thiến cầu may được biết đến là dễ kiếm ra tiền nhưng không phải ai cũng làm được. Được một người bạn giới thiệu, PV may mắn tiếp cận với một “lão làng” tên Hang. Người này được quảng cáo có kinh nghiệm thiến gà cao tay, hiện đang ở huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Đến nay, ông Hang vẫn được xem là truyền nhân duy nhất của xứ Mường trong nghề thiến gà. Năm nay 60 tuổi, ông Hang đã có trên 40 năm làm công việc này.
Với bộ đồ nghề đơn giản nhưng bằng những động tác thuần thục, điêu luyện, chỉ vài phút, ông Hang đã hoàn thành xong công việc của một “bác sỹ triệt sản” cho gà. Ông Hang nói rằng: “Giờ lão già rồi, chỉ nhận thiến gà cho người quen, họ hàng thôi. Lão không lấy tiền của ai cả. Nhưng bây giờ nhiều người làm nghề này giàu lắm. Người nào có duyên thì coi như hái ra tiền”.
Nhiều người hốt bạc từ nghề chăm sóc và “triệt sản” cho gà.
Theo kinh nghiệm của ông Hang, gà được chọn thiến thường là gà địa phương như: Gà Hồ, Đông Tảo, gà Mía hoặc gà lai giữa các giống trên với gà Ri. Bởi việc lai tạo này chúng sẽ có màu lông đẹp, mào to, đỏ cờ. Ngoài ra, nên chọn gà có trọng lượng khoảng 1,8 – 2,5kg, nuôi tiếp 4 – 5 tháng và tiến hành thiến gà vào tháng 9 – 10 (dương lịch). Phải chọn những ngày mát trời, nhiệt độ 25 – 28oC để hạn chế gà bị chột mắt sau khi thiến.
Ông Hang cũng cho biết, hiện nay có rất nhiều bạn bè ông ở Hòa Bình cũng như các tỉnh như Bắc Giang, Hưng Yên… giàu có từ việc chuyên nhận thiến và chăm sóc gà cho các đại gia. Đầu tiên, họ dẫn các đại gia đi mua gà “sạch”, sau đó về thiến. Từ việc dẫn mối gà, thiến gà thì họ đã được trả một khoản tiền rồi. Đối với việc chăm sóc gà, mỗi ngày họ thu 50 ngàn đồng tiền công. “Có có sở uy tín, họ nhận chăm sóc vài trăm con cho các doanh nhân giàu có. Đến Tết, khi các đại gia lấy gà về, người nuôi thuê còn được thưởng thêm nữa. Tôi có ông bạn ở Khoái Châu (Hưng Yên) năm ngoái nhận chăm sóc hơn 200 con gà thiến cho các đại gia Hà Nội. Đến Tết, ông ấy nhận được hơn 200 triệu đồng tiền chăm sóc gà. Tuy nhiên, trong lúc chăm sóc thuê, để gần 10 con bị chết nên ông ấy phải đền gần 20 triệu đồng”, ông Hang kể lại.
Không nên “thần thánh” hóa con vật
Trao đổi với PV về vấn đề này, chuyên gia văn hóa, phong thủy Mai Văn Sinh chia sẻ: Theo nhiều nhà văn hóa, trước đây, người dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc thường đem gà trống thiến để tế lễ khi gia đình đó có việc đại sự, như cất nhà mới hay thu hoạch mùa. Nhà nào có điều kiện muốn làm lễ phải thuê thầy cúng về tận nhà. Lúc xong việc phải đem biếu thầy gà thiến, nếu không mọi lời cầu chú sẽ mất linh. Chính vì tâm lý này, người ở thành thị lại có xu hướng “áp dụng” kiểu lễ cúng gà trống thiến để cầu mong may mắn. “Trong điều kiện hiện nay, nhiều gia đình có điều kiện thường chạy theo lối sống “phú quý sinh lễ nghĩa”. Họ cho rằng, đầu tư tiền bạc vào các lễ vật cầu kỳ sẽ được tổ tiên để ý và phù trợ. Tuy nhiên, những điều này đều không có căn cứ. Với gà trống thiến cũng vậy, chỉ là một con vật bình thường, không nên “thần thánh hóa” nó”.
Trung Dũng – Đời sống & Pháp luật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét