Post Top Ad

Post Top Ad

Nhấp chuột, vào internet , nhiều người bức xúc trước đoạn video chủ hàng tẩm ướp chim cút trước khi chiên bằng thứ bột “lạ”. Được biết, loại bột này có khả năng giữ được màu vàng bắt mắt cho các loại gia cầm, kể cả khi được chiên lại nhiều lần. Qua quá trình tìm hiểu, PV báo ĐS&PL sởn da gà khi biết rằng, loại bột nhuộm vàng đó là bột sắt và ve tường.

Bột “lạ” tràn ngập chợ

Sau những thông tin về chất vàng ô trộn vào thức ăn chăn nuôi có khả năng gây ưng thư, người dân lại xôn xao khi chứng kiến một video có ghi lại cảnh các chủ cửa hàng tẩm ướp chim, vịt bằng một loại hóa chất. Nhiều người đồn đoán rằng, đó là bột sắt hoặc bột ve quét tường. Chỉ cần mấy phút tẩm ướp và chiên với dầu, chim, vịt sẽ có độ vàng bắt mắt.

Bột sắt được cho là dùng để làm vàng thịt chim (ảnh Thành Long)

Để tìm hiểu thực hư nguồn gốc loại bột tẩm ướp chết người này, PV tìm đến khu vực chợ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) và chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội). Trong vai người chuẩn bị mở quán nhậu và nói rằng cần một lượng chim cút lớn. Sau khi ngã giá và trao đổi về số lượng chim cút cần nhập, PV liền hỏi họ về bí kíp để chiên chim không bị cháy. Tuy nhiên, các đầu mối ở đây đều rất kiệm lời. Không những thế, khi được hỏi về công thức tạo màu, họ đều khẳng định rằng, những loại bột họ đang sử dụng chỉ là bột hoa hiên hoặc bột điều.

Trưa 25/11, lấy lý do muốn học hỏi việc tẩm ướp thực phẩm, PV gọi điện cho một đầu mối cung cấp chim cút. Sau một hồi nói chuyện, người đàn ông mới đồng ý và cho PV địa chỉ đến nhà chị gái của anh ta. Được biết chị gái của đầu mối này có một quán bán chim cút chiên ở gần chợ Ninh Hiệp. 

Sau khi PV gọi điện hẹn gặp, bà chủ quán dáng thấp đậm dẫn PV về khu chế biến gia cầm phía sau chợ. Không giấu giếm, người này chỉ tay về phía hai người phụ nữ đang làm công đoạn “nhuộm” chim cút và bảo PV ra đó học hỏi kinh nghiệm. Khi được hỏi về thứ bột đang tẩm cho chim cút, người này không ngần ngại nói: “Chỉ cần trộn nửa thìa cà phê bột ve quét tường hoặc bột sắt với gói 100g bột điều sẽ nhuộm được cả trăm con chim cút vừa vàng óng, vừa bền màu. Trong chợ này, bất cứ chỗ nào bán thịt chim cút chiên đều dùng công thức này. Nếu làm ăn thẳng tưng thì lỗ to, vì chỉ cần chiên lại lần hai không mà không có bột, chim cút sẽ cháy và làm đen dầu rán”.

Theo chỉ dẫn của người phụ nữ trên, PV tìm đến phố Hàng Khoai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) để tìm mua bột sắt. Tại đây, hầu như cửa hàng nào cũng bán bột sắt, số lượng không hạn chế. Tại cửa hàng T.M đầu phố hàng Khoai, bà chủ cửa hàng nhanh nhảu giới thiệu: “Cửa hàng chị bán đủ các loại bột công nghiệp, giá cả hợp lý. Bột sắt giá bán lẻ 150.000 đồng/kg, nhập sỉ cả túi 25kg thì giá chỉ còn 130.000 đồng/kg. Loại này được dùng chủ yếu trong công nghiệp nhuộm và có nguồn gốc từ Trung Quốc”. Theo tìm hiểu của PV, giá bột sắt được nhập từ Trung Quốc chỉ khoảng 70.000 – 80.000 đồng/kg.

Tại phố Hàng Hòm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) các chủ cửa hàng đều khẳng định ở đây có bán các loại bột công nghiệp, hóa chất. Tìm hiểu thêm, PV được biết, không chỉ dùng trong công nhiệp nhuộm vải, nhiều người còn mua bột công nghiệp về để tẩm ướp cho thực phẩm. Ngoài bột sắt hay bột ve quét tường, nhiều cơ sở còn dùng acid orange, một loại phẩm màu công nghiệp được dùng trong sản xuất nhang và nhuộm vải, để nhuộm gà, măng tươi. Khi nhuộm hóa chất, thực phẩm cũng cho ra màu vàng tươi hấp dẫn. Nhiều tiểu thương nhận định, các hàng quán thường sử dụng những loại bột công nghiệp này bởi chi phí thấp, chỉ cần một gói khoảng 1kg có thể dùng quanh năm. Trong khi phẩm màu dùng cho thực phẩm giá cao hơn rất nhiều lần.

Được biết, để vịt, chim cút có màu gạch non, sau khi vặt lông, bỏ nội tạng, chim cút, vịt được tẩm gia vị, nhét lá móc mật vào bụng rồi chiên giòn. Trước đây, gia vị dùng để tẩm chim cút, vịt bao gồm bột điều, hoa hồi, hoa quế, đường, ớt, tiêu. Nay nhiều hàng quán đã dùng bột sắt, ve tường giá rẻ tiền, độc hại để tạo màu. Điều đáng nói là khi gia cầm được tẩm ướp bằng những loại hóa chất này, người sử dụng rất khó phát hiện.

Mục sở thị công nghệ chiên vàng chim cút

Để kiểm chứng, PV mua bột hoa hiên, bột điều ở chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, TP.Hà Nội) và bột sắt, bột ve quét tường ở các cửa hàng khô với giá siêu rẻ (chỉ dưới 10.000 đồng/gói 100g). Và, để làm rõ hơn về tác dụng tạo màu của những chất này với thực phẩm, PV đã nhờ một người quen chuyên bán thịt chim, gà quay ở chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy, TP.Hà Nội) thực hiện các công đoạn từ tẩm ướp đến chiên giòn. Quan sát bên ngoài, hầu hết các gói bột này khi để khô có màu vàng nghệ, chỉ riêng túi bột sắt có màu đen, mùi hắc, nhưng sau khi được pha với nước, bột sắt lập tức chuyển sang màu vàng tươi đẹp mắt.

Để thử nghiệm, PV đã dùng bột hoa hiên và bột điều tẩm ướp với chim cút trong khoảng 15 phút, sau đó đưa số thịt này ra rửa sạch. Kết quả là thịt chim cút trắng sạch như lúc ban đầu. Sau đó, khi nhúng chim được tẩm ướp với bột điều hay bột hoa hiên vào chảo dầu đang sôi, trên da chim cút có hiện tượng vón lại thành những cục bột nhỏ, màu trắng, vàng không đồng đều. Nhìn qua, chim cút chiên bằng hoa bột điều và bột hoa hiên màu đen, không bắt mắt.

Thịt chim cút tẩm “độc dược” được bán tại Ninh Hiệp (ảnh Thành Long)

Còn với số chim được chiên sau khi tẩm ướp bột sắt, ve tường thì kết quả cho ra hoàn toàn khác hẳn. Số chim cút được chiên lên sẽ cho ra màu da vàng óng đồng đều, trông rất hấp dẫn. Với công thức này không chỉ được áp dụng với chim cút, kể cả gà ngan hay vịt cũng đều cho ra kết quả tương tự. Thậm chí, bột sắt sẽ bám chắc lên tay người nhuộm, kỳ cọ mãi vẫn không sạch.

Nhiều chuyên gia cho rằng, bột sắt là loại màu công nghiệp chứa chất 2,4 diaminoazobenzene hydrochloride. Nó được dùng trong công nghiệp sản xuất polymer, thuốc nhuộm tóc, sản xuất cao su (chất chống ôxy hóa cao su), mực in... và tuyệt đối cấm sử dụng trong thực phẩm. Chất bột màu này là dạng độc tố, khi tích lũy trong cơ thể người có khả năng gây tổn hại cho gan và thận, gây ung thư da, ung thư bàng quang. Tiếp xúc thường xuyên sẽ gây viêm da nặng, kích ứng mắt, chảy nước mắt, hen suyễn, viêm dạ dày, suy thận, chóng mặt, run, co giật, hôn mê. Triệu chứng khi nuốt phải lượng lớn: đau bụng, môi và móng tay chuyển màu xanh tím, co giật ói mửa, khó thở, buồn ngủ, lịm dần.

Rất nguy hiểm cho người tiêu dùng
PV đem gói chất “lạ” hỏi chuyên gia an toàn vệ sinh thực phẩm, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) lắc đầu ngao ngán: “Đây là những chất cực kỳ nguy hiểm. Vì lợi nhuận, người ta có thể bất chấp đầu độc đồng bào mình. Chưa bao giờ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm báo động như hiện nay”. Nhìn vào gói chất độc “lạ”, ông Thịnh cho biết: “Bộ Y tế đã quy định rõ, đối với chất tạo màu, phụ gia được phép sử dụng, trên bao bì bao giờ cũng ghi rõ tên hóa chất, thành phần hóa học, tính năng kỹ thuật và tính chất vật lý, liều lượng, cách dùng... Nếu dùng màu để nhuộm, đặc biệt các chất gốc azo thì rất độc, chúng có khả năng giải phóng vòng benzen, có thể gây ung thư, nhẹ thì dị ứng. Với trẻ nhỏ, việc hấp thụ quá nhiều có thể gây kích thích, hiếu động thái quá hoặc lơ đãng. Người tiêu dùng phải thay đổi quan niệm ăn uống, mua thực phẩm của mình. Chỉ mua những thực phẩm giữ nguyên màu là tốt nhất. Không đổ xô tìm mua những đồ ăn có màu sắc bắt mắt”.

                                                               





Related Posts

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad