Post Top Ad

Post Top Ad

Đời sốngHótTin HotTin nóng trong ngàyTin nổi bậtXã hộiXôn xao dư luận

Thâm nhập thị trường ngầm thuốc trị biếng ăn có hoạt chất nguy hại cho trẻ

Nhiều ông bố, bà mẹ đã tìm đến các loại thuốc trị biếng ăn giống như một chiếc “phao cứu sinh” cho trẻ. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc chứa chất cấm như Peritol hay Periactine, có thể gây nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Chính vì thế, bộ Y tế đã cấm dùng các loại thuốc này để điều trị trẻ biếng ăn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trên thị trường, ai có nhu cầu mua thuốc vẫn được đáp ứng vì nhiều cơ sở lén lút bán chui.

Nghịch lý: Thuốc cấm, cần là có

Nhằm làm rõ thông tin nhiều sản phẩm thuốc trị biếng ăn cho trẻ chứa chất cấm đang được rao bán công khai, PV đã thâm nhập vào các cơ sở kinh doanh mặt hàng thuốc này. Một thông tin mà chúng tôi ghi nhận được, sau khi có văn bản của cục Quản lý Dược (bộ Y tế) về việc cấm sử dụng thuốc có chứa chất Peritol để trị chứng biếng ăn cho trẻ, trên thị trường cũng đã bắt đầu lắng xuống. Nhiều cơ sở khi chúng tôi đề cập đến việc mua thuốc  đều khẳng định rằng tại cửa hàng mình “không có”. Chỉ những ai là khách quen mới có thể tiếp cận được với nguồn thuốc.

Dạo một vòng quanh chợ thuốc Hapulico (phố Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội), với cả trăm quầy thuốc san sát nhưng chúng tôi vẫn không thể tiếp cận được với loại thuốc mà mình đang cần. Tuy nhiên, sau đó, thật bất ngờ khi chúng tôi ra bãi gửi xe thì được một người phụ nữ trung tuổi, mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang kín mít vỗ vai và khẳng định, có thể đáp ứng mọi nhu cầu về loại thuốc trị biếng ăn.

Một loại thuốc trị biếng ăn chứa 4mg hoạt chất Cyproheptadine

Sau đó, chúng tôi hỏi cánh xe ôm và mấy thanh niên trông xe đạp trước cổng chợ thuốc Hapulico mới biết, người phụ nữ là một trong số những “cò thuốc” chuyên môi giới ở khu vực này. Có lẽ việc quan sát rất kỹ động thái của PV từ lúc đầu đến với chợ thuốc, người phụ nữ nắm rõ việc chúng tôi muốn gì. Bà ta hỏi: “Em cần mua thuốc hiếm hả, Peritol hay Periactine, số lượng bao nhiêu?”. Chúng tôi trả lời rằng muốn mua thuốc biếng ăn cho trẻ. Người phụ nữ nói luôn: “Loại này hiếm trên thị trường, chỉ riêng chị mới biết chỗ có hàng nên giá hơi “chát” đấy. Nếu em mua, chị lấy gấp đôi giá niêm yết”.

Khi chúng tôi đề cập đến chuyện cần một lượng “hàng” lớn để đổ mối về các tỉnh lẻ, người phụ nữ khẳng định: “Muốn lấy thì đặt tiền cọc, để số điện thoại và địa chỉ. Mấy hôm nữa chị chuyển hàng. Bây giờ, người ta quản lý chặt lắm”. Nói rồi người phụ nữ đưa PV đến một quán cà phê cách đó khoảng một cây số để xem “hàng”.

Quan sát bên ngoài, thuốc được đóng gói dưới dạng hộp 10 vỉ, mỗi vỉ 10 viên và được bào chế dưới dạng viên nén. Trên đó có ghi rõ việc chống chỉ định dùng cho người bị Glaucom, phù, bí tiểu, phụ nữ cho con bú, có thai, và trẻ dưới 6 tháng tuổi. Ngoài ra, Peritol còn có dạng chai có thể tích khoảng 100ml/chai được sử dụng giống như siro. Thành phần được ghi trên bao bì cũng chủ yếu là Cyproheptadine.

Không những thế, qua cách nói chuyện với “cò”, chúng tôi nhận thấy bà ta khá thành thạo khi nói về công dụng của thuốc. “Với thuốc Peritol có chứa thành phần Cyproheptadine hydrochloride 4mg. Trẻ biếng ăn thì chỉ cần 1 viên/ngày, uống liên tục trong một tuần thì thấy tác dụng rõ rệt”, chị này nói. Điều khiến chúng tôi bất ngờ là ngoài việc trị chứng biến ăn cho trẻ thì thuốc còn trị được cả mề đay mãn tính hay chứng đau nửa đầu cấp ở người lớn, chỉ cần 1 viên/ngày. Tuy nhiên, chúng tôi dò hỏi nguồn hàng lấy từ đâu mà “cò” có thể cung cấp được số lượng lớn như thế, có bảo đảm không, tem mác có rõ ràng không thì người phụ nữ từ chối trả lời.

Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu trên một số trang mạng để xem nguồn hàng Peritol hay Periactine từ đâu. Sau nhiều lần gọi điện đến “đường dây nóng” được đăng tải trên website: www.muabanxxx... không có kết quả, chúng tôi chuyển sang nhắn tin. Với nội dung mong muốn kết nối được với đầu mối này vì trên mạng, các bà mẹ kháo nhau rằng địa chỉ trên rất phong phú về nguồn hàng. Không những thế, trang web còn rao bán cả thuốc kích dục cho nam, nữ cùng các loại thuốc an thần “hiếm” gặp trên thị trường.

 Sau nhiều lần nhắn tin với các đầu số khác nhau vẫn không có kết quả, chúng tôi nhắn tin tiếp nói rằng được anh H. người quen giới thiệu. Sau khi xác nhận thông tin địa chỉ, chứng minh thư, số điện thoại thì đầu máy bên kia mới bắt đầu hồi âm. Người này cho biết: “Anh thông cảm, dạo này báo chí phản ánh nhiều và công an bắt đầu để ý, nên khi có người quen giới thiệu thì em mới dám bán hàng”.

Cũng giống như các địa chỉ khác mà PV tiếp cận được, đầu nậu này khẳng định, đối với các khách hàng quen, muốn số lượng bao nhiêu họ cũng sẵn sàng cung cấp. Mặt khác, người này còn lộ ra một số mánh khóe để tránh việc các cơ quan chức năng “sờ gáy”. Theo đó, họ không bao giờ để thuốc trong nhà. Tất cả đều được giấu ở một kho thuốc bí mật. Khi có người cần hàng, họ sẽ đến kho lấy và chở thẳng đi cho khách.

Lạm dụng thuốc và hậu quả khó lường

Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết, thuốc Peritol loại viên nén với mức giá phổ thông chỉ khoảng 35 – 40 nghìn đồng/hộp, loại siro cũng chỉ khoảng 70 – 80 nghìn đồng/chai. Từ khi cục Quản lý Dược có văn bản siết chặt quản lý thì các đầu nậu tổ chức bán chui với mức giá gấp đôi, thậm chí gấp ba lần mức giá cũ.

Hình thức chủ yếu của thuốc này là viên nén

Tìm hiểu những nạn nhân của các loại thuốc trên, PV đã gặp bà Ngô Thị Hoan (quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội). Chưa hết bàng hoàng, bà Hoan chia sẻ với PV rằng: “Cháu trai tôi đã được một tuổi rưỡi nhưng vì biếng ăn nên gầy gò, xanh xao. Bố mẹ nó đi công tác suốt, tôi cũng đã làm nhiều cách kể cả thay đổi thường xuyên món ăn nhưng chẳng có kết quả. Càng ngày, cháu tôi càng ốm tong ốm teo, tôi nhìn mà xót ruột”.

Bà Hoan cho biết, nghe mấy bà hàng xóm nói rằng có loại thuốc chứa hoạt chất Cyproheptadine trị biếng ăn, bà liền hỏi mua về cho cháu dùng thử. Mỗi bữa ăn, bà Hoan đều cho cháu uống nửa viên. Sau đó, cháu nội bà cũng cảm thấy thích ăn hơn. Vài tháng sau, thấy cháu có triệu chứng lơ mơ, buồn ngủ, nói huyên thuyên một mình rồi chuyển sang bị táo bón, tiểu khó, bà Hoan mới tá hỏa đưa cháu đi khám. Các bác sỹ chẩn đoán là do cho cháu uống Cyproheptadine quá liều.

Tương tự, chị Thanh Huyền (34 tuổi, ngụ quận Đống Đa, TP.Hà Nội) cũng ân hận vì cho con dùng thuốc cấm. Vì quá mệt mỏi khi con biếng ăn, được đồng nghiệp mách nước có siro Peritol giúp trẻ ăn ngon, ngủ khỏe, chị Minh liền mua về cho con mình dùng thử. Chị cho biết: “Ban đầu, bé ăn uống rất ngon miệng, đi tiêu cũng khá dễ. Tuy nhiên, thấy con tăng cân quá nhanh nên tôi ngưng dừng thuốc. 

Nhưng không ngờ hễ tôi dừng thuốc là bé lại biếng ăn như cũ”. Khi chị đưa con đến khám tại phòng khám dinh dưỡng và chỉ cho bác sỹ những biểu hiện trên cơ thể của bé như bụng to, mặt hơi sưng phù nhưng tay chân lại gầy gò, ốm yếu thì bác sỹ cho biết, loại thuốc “bổ” mà con chị Huyền đang sử dụng có trộn lẫn thuốc ngủ và một số loại chất gây thèm ăn. Khi sử dụng quá nhiều, thuốc sẽ gây rối loạn hệ tiêu hóa của bé. Dùng những loại thuốc này, bé dễ dàng tăng cân là do cơ thể bị tích nước.


Không tự ý mua thuốc hay thảo dược khi trẻ biếng ănTrao đổi với PV, bác sỹ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM khẳng định: “Người lớn không nên tự ý mua các loại thuốc, thảo dược khi trẻ biếng ăn. Cơ thể trẻ, đặc biệt là các cơ quan tiêu hóa còn rất non nớt. Việc dùng các loại thuốc bổ, thảo dược mà không có chỉ định của bác sỹ chuyên môn rất dễ dẫn đến những rối loạn, tổn thương cho một số bộ phận trong cơ thể bé. Nếu dùng lâu dài, hệ thống tiêu hóa dễ bị trì trệ. Đồng thời, việc sử dụng các loại thuốc không hợp lý cũng có thể dẫn đến tình trạng bé dị ứng với các thành phần có trong thảo dược, hoặc một số chất do dư thừa có thể tích lũy lại gây ngộ độc, tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe của trẻ, như chậm lớn, bị phù, loãng xương”.

Trung Dũng - Đời sống & Pháp luật



Related Posts

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad