Post Top Ad

Post Top Ad

Đời sốngTin HotTin nóng trong ngàyXã hội

Kết cục đau đớn của gã trai hại người vì bênh bạn mù quáng

Hành vi tội ác đã phải trả giá bằng bản án nghiêm khắc của pháp luật. Kẻ gây ra tội phải đền tội, nhưng nạn nhân đã phải vĩnh viễn ra đi. Lời sám hối của kẻ thủ ác, dù chân thành, dù được nói trong nước mắt nhưng đã quá muộn màng.

Những nhát dao oan nghiệt

Huỳnh Thanh Phùng (SN 1985, ngụ huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) và Huỳnh Thanh Bằng (SN 1991, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) là hai bị cáo đã gây ra cái chết cho anh Phạm Văn D. vào đêm 20/3/2014.

Khác với sự hùng hổ khi cầm hung khí truy sát nạn nhân đến tử vong, sau vành móng ngựa, Phùng và Bằng cúi gằm mặt xuống đất. Mỗi lần khai lại hành vi tội ác của mình, đôi vai Phùng lại run run.

Phùng trình bày tại tòa, nhà bị cáo nghèo lắm, lại sống ở vùng nông thôn lạc hậu nên từ nhỏ bị cáo không được đi học như chúng bạn. Vì không được đến trường nên bị cáo không biết chữ. Ngay khi còn rất nhỏ, Phùng đã rời bỏ quê hương Vĩnh Long để lên TP. HCM kiếm sống. Để mưu sinh, Phùng đã làm nhiều việc nặng nhọc. Đến khi Phùng tìm được công việc nhẹ nhàng hơn, thì cũng là lúc bi kịch xảy ra. Nguyên nhân bắt nguồn từ lời “cầu viện” của người bạn nhỏ tuổi.

Tối 20/3/2014, Phùng chạy xe đến đầu hẻm chùa (thuộc ấp 2C, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM) thì gặp Bằng. Bằng kể cho Phùng nghe về việc trước đó khoảng 1 tiếng đồng hồ đã mâu thuẫn với anh D. và bị nhóm anh D. đánh hội đồng. Bằng rủ Phùng đi cùng mình tìm anh D. để đánh trả thù và Phùng đồng ý. Cả Phùng, Bằng và nhóm bạn lên xe chở nhau đi tìm anh D. để đánh dằn mặt. Như những kẻ côn đồ, Phùng và Bằng tay cầm khúc cây làm hung khí chạy đến chỗ anh D., quyết trả thù cho bằng được.

Thấy anh D. trong quán cà phê, Bằng chỉ cho Phùng biết anh D. là ai rồi cả hai lao vào đánh. Phùng cầm cây gỗ đánh một cái vào lưng anh D.. Sợ bị nhóm của Phùng đánh, anh D. chạy vào trong nhà vệ sinh của quán cà phê để trốn. Quyết truy sát nạn nhân đến cùng, Phùng và Bằng rượt theo nạn nhân vào nhà vệ sinh. Tại đây, thấy một cây xà beng dựng ở cạnh cửa nhà vệ sinh, Phùng cầm lên đâm liên tiếp 7 nhát xuyên qua cửa nhựa, nơi anh D. đang đứng chắn bên trong.

Khi không thấy anh D. phản ứng gì, biết mình đã đâm trúng người anh này nên Phùng dừng lại, vứt bỏ hung khí rồi chạy ra ngoài, lên xe đồng bọn tẩu thoát. Sau đó, anh D. lết được ra ngoài và kêu cứu.

Tuy được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng do vết thương quá nặng nên anh D. đã tử vong trước khi đến bệnh viện. Sáu ngày sau khi gây ra tội ác, Phùng biết anh D. đã chết, Phùng đã ra cơ quan công an đầu thú, khai nhận mọi hành vi phạm tội của mình.

Hai bị cáo Phùng (áo xanh) và Bằng không được giảm án.

Lời sám hối muộn màng

“Bị cáo biết lỗi rồi, những ngày tháng trong trại giam, bị cáo đã rất ân hận về hành vi tội ác của mình. Nhiều đêm bị cáo ngủ không được vì nhớ cha mẹ, nhớ vợ con và hối hận vì mình đã gây ra tội ác tày đình. Bị cáo không cố ý giết người và hoàn toàn không biết bị hại đứng chắn sau cánh cửa nên dùng xà beng đâm vào cánh cửa nhiều lần và trúng vào người bị hại khiến bị hại tử vong”, Phùng khai như vậy khi được chủ tọa hỏi có hối hận về tội ác do mình gây ra hay không.

Phùng trình bày rằng, nhà Phùng nghèo lắm, nghèo đến nỗi không có cái để ăn. Vì mưu sinh nên sớm phải xa quê lên thành phố kiếm sống. Việc Phùng lấy được vợ là điều may mắn nhất. Đến khi Phùng có con, Phùng hạnh phúc không gì bằng. Thế mà, chỉ vì bênh bạn mù quáng, vì một phút muốn thể hiện mình, Phùng đã đánh mất tất cả. Là người lao động chính trong gia đình, giờ đây Phùng đang trút gánh nặng nuôi con nhỏ, nuôi cha mẹ già lên đôi vai người vợ trẻ đáng thương của Phùng.

Ngày Phùng bị đưa ra xét xử sơ thẩm, Phùng đã khóc rất nhiều. Trái với vẻ hung dữ khi quyết truy sát nạn nhân đến cùng, Phùng tỏ ra yếu đuối. Tòa sơ thẩm tuyên phạt Phùng mức án tù chung thân; còn Bằng bị phạt 14 năm tù cùng về tội giết người. Nghe tòa tuyên án, cả hai bị cáo này đã khóc. Cho rằng bản án tòa tuyên là quá nặng, cả Phùng và Bằng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 31/12, người thân của Phùng không ai đến dự. Vợ của Phùng cũng không có mặt. Nhiều lần, Phùng quay xuống phía dưới phòng xử để tìm ánh mắt người quen nhưng rồi phải  thất vọng quay lên. Phùng khai: “Bị cáo tức giận lắm vì bị hại dám đánh bạn bị cáo. Đến khi bị hại chạy vào nhà vệ sinh trốn, trong đầu bị cáo chỉ có một suy nghĩ duy nhất là đuổi theo đánh cho bằng được. Đến khi bị bắt, có thời gian suy nghĩ lại, bị cáo mới biết hành vi của mình là quá côn đồ. Bị cáo biết lỗi rồi, chỉ mong được giảm án để sớm được về chăm cha mẹ, nuôi dưỡng con nhỏ nên người”.

Lời thỉnh cầu của Phùng đã không được HĐXX chấp thuận. HĐXX cho rằng hành vi của Phùng là cực kỳ nguy hiểm cho xã hội. Chỉ vì bênh bạn mà ra tay giết người không có mâu thuẫn gì với mình. Đáng lẽ ra Phùng đã phải nhận mức án cao nhất để trả giá cho hành vi tội ác, nhưng vì Phùng ăn năn, hối hận, gia đình có công với nước nên Phùng mới thoát được án tử. Mặc dù bị hại cũng có một phần lỗi là gây sự và đánh người trước, nhưng hành vi dùng hung khí giết người, coi thường mạng sống của người khác của Phùng là vi phạm pháp luật và không thể tha thứ nên cần tuyên mức án nghiêm khắc.

Y án sơ thẩm
Sau giờ nghị án, HĐXX nhận định trong phiên tòa này, cả Phùng và Bằng đều không có tình tiết giảm nhẹ mới. Do đó, HĐXX quyết định giữ nguyên hình phạt tù chung thân đối với Phùng; 14 năm tù gian đối với Bằng. Bản án tuyên xong, Phùng không khóc như trong phiên tòa sơ thẩm, ánh mắt vô hồn của Phùng như thể hiện sự bất lực và nỗi day dứt vì một phút mất kiểm soát hành vi của chính mình…


Related Posts

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad