Nhận định của Đại tá Phan Văn Từ, nguyên Trưởng phòng Công nghệ cao, Viện Tên lửa - Bộ Quốc Phòng.
Theo người dân và đại diện chính quyền địa phương, sáng 2/1, hai vật thể lạ hình cầu đã rơi xuống các khu vực thuộc địa bàn xã Tân Mỹ, (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) và xã Tân Đồng (Trấn Yên, Yên Bái).
Theo mô tả, vật thể rơi xuống Tuyên Quang có vỏ bằng kim loại, đường kính khoảng 80-100cm, bên trên có chữ tiếng Nga, còn vật thể rơi xuống Yên Bái có đường kính khoảng 40cm.
Về nguồn gốc của các vật thể này, trao đổi với chúng tôi, Đại tá Phan Văn Từ, nguyên Trưởng phòng Công nghệ cao, Viện Tên lửa - Bộ Quốc Phòng nhận định:
“Đây rất có thể là một loại bình khí nén thuộc vật thể bay, nhưng không thể khẳng định là của tên lửa hay máy bay.
Chữ trên các vật rơi xuống ở một số địa điểm đã nêu là chữ Nga, qua đó có thể xác định đây là thiết bị được sản xuất bởi Liên Xô cũ hoặc Nga.
Có thể khẳng định không phải các vật rơi xuống Tuyên Quang, Yên Bái… bị nổ mà là vật chứa chúng (tức vật thể bay) bị nổ, khiến các bình khí nén nhiều kích thước khác nhau văng ra.
Ngoài ra, các “vật lạ” rơi xuống đất mà vẫn giữ hình dạng nguyên vẹn nên có thể phán đoán chúng được chế tạo bằng hợp kim đặc biệt hoặc vật liệu composite.”
Ký tự tiếng Nga trên thân quả cầu kim loại được tìm thấy tại thôn Nà Giang, xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
Tìm hiểu thêm những hình ảnh được công bố trên báo chí, chúng tôi bước đầu xác định được những ký tự tiếng Nga được viết khá mờ trên vật thể rơi xuống xã Tân Mỹ đề cập đến nhiệt độ, áp suất...
Tối 2/1, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, ông đã nắm được thông tin về vật thể lạ ở Tuyên Quang và Yên Bái.
Tướng Tuấn cũng cho biết: "Trước và trong khi xảy ra hiện tượng này, quân đội không có bất cứ hoạt động quân sự nào tại các khu vực trên".
Hiện cơ quan chức năng đang làm việc để xác định nguồn gốc các vật thể này.
Theo chuyên gia quân sự Nam Hoài: Một số loại đạn tên lửa phòng không có xuất xứ Liên Xô như S-75 Volga và S-125 Pechora có mang bình khí nén để phục vụ khởi động pin chạy mạch phóng hoặc điều khiển cánh lái.Áp suất khí nén trong các bình này ở mức 350 kg/cm2.
Bình khí nén trong đạn tên lửa của tổ hợp S-125 Pechora có thể tích 7,345 lít khí nén ở áp suất 350 kg/cm2, được sử dụng để điều khiển cánh lái.Bình khí nén trong đạn tên lửa của tổ hợp S-75 có thể tích lớn hơn bình khí nén trong đạn V-601 của tổ hợp tên lửa phòng không S-125 “Pechora”.Tùy biến thể mà bình khí nén của đạn tên lửa của tổ hợp S-75 có thể tích 17 lít hoặc 23,2 lít (đạn V-755 20DSU của tổ hợp S-75M3).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét