Dù không thuộc hàng những tay thợ săn lão luyện như ông Ba Thành, nhưng ở vùng rừng núi thuộc bản Khuổi Chao (xã Bảo Linh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) này thì nhắc đến Hầu Văn Thông, bất kì người dân nào cũng biết.
Sau bao cuộc đại chiến với thú dữ, rồi đến một ngày sau khi hạ gục mãnh hổ thường xuyên oanh bản làng, ông Thông tuyên bố giải nghệ. Không ai biết lý do từ bỏ núi rừng của tay thợ săn cừ khôi này là gì? Mãi đến tận 20 năm sau, khi chính người thợ săn từng hạ gục mãnh hổ kể lại cuộc đại chiến kỳ bí đó, lý do giải nghệ của ông Thông mới được hé lộ…
Truy lùng dấu vết “hổ tinh”
Hơn 20 năm trước, người dân ở bản làng miền núi Thái Nguyên vẫn không thể quên được những tháng ngày nơm nớp lo sợ của họ, khi phải sống chung một vùng đất với bầy thú dữ. Theo những vị cao niên kể lại, thời đó, nhiều khi chỉ bước chân ra hiên nhà cũng gặp rắn hổ chúa; lên bãi hái chè cũng có thể gặp lợn rừng; đi lấy củi cũng bắt gặp hổ… Để trấn áp thú dữ, rất nhiều tay thợ săn lão luyện cũng tìm đến đây sinh sống. Vì thế, theo thời gian, lũ thú dữ đều bị hạ gục trước họng súng của những người thợ săn dũng mãnh. Bây giờ, thú dữ đã rất khan hiếm, những con mãnh thú sống sót cũng phải chạy tít lên núi cao trú ẩn. Ký ức về một thời ngang dọc của những tay thợ săn chỉ được hồi tưởng qua những câu chuyện lúc trà dư, tửu hậu…
Anh Hầu Văn Thông
Vào cái thời xa xưa ấy, khi con người sống chung với thú dữ, là khi vùng rừng núi còn rất hoang vu. Đứng ở trên một đỉnh núi, phóng tầm mắt khắp 4 phía, cũng chỉ thấy lẻ tẻ vài mái nhà. Xã Khuổi Chao khi đó là nơi trú ngụ của một số người dân tộc Dao. Tất cả các hộ người Dao đều làm nhà sàn kiên cố, dưới sàn có đặt bẫy để tránh thú dữ. Thế nhưng vì thú dữ ở Khuổi Chao thời đó quá nhiều, thức ăn lại khan hiếm, nên thường cứ 3 tháng cuối năm, khi động vật, muông thú trong rừng đi tìm nơi trú đông, là thời điểm khan mồi của các con mãnh hổ. Vì thế, bọn mãnh hổ thường mò vào tận bản bắt trâu, bò, lợn, gà. Không có trâu, bò thì chúng tấn công đến người. Thời điểm đó, mãnh hổ là nỗi kinh hoàng gieo rắc khắp các bản làng…
Một chiều cuối Đông năm 1992, có con hổ to như con trâu mộng không biết từ đâu mò về làng Khuẩn Chao. Nó bắt con ngựa kéo nhà ông Dương Văn Việt, ở bản Khuổi Chao, rồi quắp con ngựa lên lưng trừng núi, gần khu vực miếu để ăn. Chiều tối hôm đó, gia đình ông Việt không thấy ngựa về chuồng, nên đã bủa đi tìm. Đến khu vực miếu thấy từng đám cây rừng đổ rạp sang hai bên và có dấu máu. Lần theo dấu máu đến giữa rừng, ở khu vực bãi đất phẳng thì thấy phần lớn con ngựa đã bị hổ ăn hết. Bên phía cánh rừng thuộc làng A Nhì có tiếng hổ à uồm” vang vọng đại ngàn, mấy người đi tìm ngựa đã rủ nhau quay về hết, vì lo sợ đến tính mạng của mình.
Ngay sáng sớm hôm sau, dân làng Khuổi Chao đã hò nhau mang theo, cung, nỏ, giáo mác lần theo những dấu chân hổ to như những miệng bát tô in sâu xuống nền đất trước cửa miếu thờ thổ công của làng, để đi tìm nơi ẩn nấp của mãnh hổ. Cách khoảng 5 km, tính từ bãi đất trống nơi ông Việt và mọi người phát hiện ra phần còn lại của con ngựa, mọi người nhìn thấy con mãnh hổ, nhưng không trong dáng vẻ hung dữ, mà nó chỉ nằm phục trên một tảng đá bằng phẳng. Khi những người dân mang theo súng đều nhằm hướng con hổ để bắn, thì đồng loạt súng mang theo bị điếc. Mãnh hổ nhanh như cắt trở lại vẻ hung dữ, lao tới vồ sống, vồ chết một người trong đoàn người đi săn, nhưng may mắn người này đã né kịp nên thoát chết.
Và người bị mãnh hổ tặng cú vồ hụt đó không ai khác, lại chính là người thợ săn trẻ nhưng dũng cảm, cừ khôi Hầu Văn Thông. Sau này, khi nhớ lại cú vồ đó ông Thông vẫn thường nói, đáng ra lần đó ông đã chết rồi nhưng may khi đó ông đã kịp né vào sau một gốc cây nên mới giữ lại được mạng. Cũng cùng lúc mọi người trong đoàn thợ săn tưởng ông Thông đã mất mạng nên lao vào cứng cứu. Thấy có nhiều người trang bị đầy đủ súng ống, giáo mác lao tới, mãnh hổ hoảng sợ nhảy khỏi tảng đá và chạy trốn lên núi, vừa chạy vừa gầm vang tức giận. Nhưng con hổ tinh ranh chỉ trốn chạy cánh thợ săn lúc đó, còn ngay chiều tối hôm sau nó lại. tiếp tục về làng bắt trâu, bò nhưng bị dân làng phát hiện khua chiêng, trống xua đuổi.
Dân bản Khuổi Chao từ đó cứ nơm nớp với sự xuất hiện của con hổ dữ. Đến tháng 2/1993, ông Hầu Văn Thông lại lên rừng bẫy sóc. Khi đi qua khu vực miếu làng, ông phát hiện dấu chân hổ in hằn dưới nền đất. Đoán biết mãnh hổ lại về quấy phá dân làng, ông Thông đã chạy về báo với dân làng, rồi tụ tập cánh thợ săn trong vùng, thâu đêm băng rừng truy tìm mãnh hổ.
Giải nghệ ngay sau khi giết mãnh hổ
Ông Thông kể: “Kể từ lần đối diện với mãnh hổ và bị nó vồ hụt, nhờ sự chỉ bảo của một thợ săn lão luyện, ông Thông biết con mãnh hổ này là một con hổ vô cùng tinh khôn. Nên trước khi vào rừng truy bắt hổ, tôi đã làm đúng như lời người thợ săn già chỉ dạy: Sáng sớm tỉnh dậy bước ra mái gianh đầu hiên nhà, hứng giọt gianh vạch xuống đất, nín thở đi ra phía sân đúng 7 bước, vừa bước vừa nhổ 3 sợi tóc bỏ vào họng súng. Đủ 7 bước thì xác định hướng Tây đi thẳng…, sau đó ông Thông kêu gọi khoảng 60 thợ săn khác của 2 xã A Nhì và Bảo Linh cùng tham gia tìm kiếm mãnh hổ. Cùng mọi người truy đuổi hổ đến khu vực Khuôn Tát, xã Quý Kỳ, ông Thông phát hiện ra dấu vết của mãnh hổ, nên đã ngồi phục sẵn trên một tảng đá.
“Ngửi được mùi vây hãm của các thợ săn, nên mãnh hổ trốn vào khu rừng Khuôn Tát. Đến khoảng 11 giờ trưa, họng súng của tôi vẫn chăm chăm đón lõng hướng đi của hổ. Bất ngờ tôi phát hiện con mãnh hổ vằn vện to như con bò mộng lù lù trong lùm cây cách chỗ tôi nấp không xa. Mồ hôi trên trán tôi vã ra như tắm, nhưng tôi nghĩ rất nhanh nếu không tấn công chính xác con hổ trước, để đến khi nó phát hiện ra chỗ ẩn nấp của tôi, thì có lẽ tôi không còn cơ hội thoát chết lần thứ 2. Rất cẩn trọng, tôi nhằm đúng lúc con hổ nằm im, nhắm chính xác vào đỉnh đầu con hổ, siết mạnh cò súng. Một tiếng nổ vang lên chát chúa, con hổ gầm rú, giãy đạp rất mạnh, nhưng do phát súng của tôi đã khiến cái đầu nó vỡ toác, nên nó không thể thực hiện được cú vồ chính xác về phía tôi. Nghe tiếng súng nổ, những người thợ săn lập tức chạy tới, nổ súng hỗ trợ. Con hổ đau đớn giãy giụa, rồi chết gục trước những loạt đạn. Lúc tiếp cận con hổ để đốt ria, cánh thợ săn mới phát hiện 6 vết xẻ rách ở 2 tai hổ, một người thợ săn già khẳng định điều đó chứng tỏ con mãnh hổ này đã ăn thịt 6 người. Con hổ sau đó được 6 trai tráng khiêng về bản…”, ông Thông hồi tưởng lại.
Vượt qua nhiều con đèo dốc quanh co, uốn luợn, và 25 con suối, đoàn chúng tôi mới tìm về được bản Khuổi Chao. Bản Khuổi Chao hiện cũng chỉ có hơn 70 hộ dân sinh sống. Nhưng khác với cảnh sống yên bình tưởng phải có được của dân làng nơi núi rừng yên tĩnh, nhiều dòng họ ở đây đang có người than phải vật lộn với chứng bệnh tâm thần, nhiều người đang khỏe mạnh bỗng dưng phát điên, đi khám thì bác sĩ không tìm ra nguyên nhân bệnh. Dân làng ở đây đồn đại rằng, họ đang bị “hổ tinh” báo oán, đặc biệt con hổ này từng quỳ trước miếu thiêng nên sự báo oán của nó càng khốc liệt hơn.
Đường lên cánh rừng A Nhì
Lý giải về điều này “Võ Tòng” Hầu Văn Thông cho biết, ông cũng không hiểu được vì sao từ sau khi mãnh hổ bị giết, nhiều người dân trong bản làng lại mắc chứng bệnh lạ. Tôi cũng đã giải nghệ ngay sau khi giết được mãnh hổ, phần vì ảnh hưởng bởi lời đồn “hổ tinh báo oán”, phần vì tôi không muốn tiếp tục đánh cược với mạng sống của mình”.
Chuyện “hổ tinh báo oán” chỉ là tin đồn Ông Lương Văn Sửu, Chủ tịch xã Bảo Linh chia sẻ: “Đúng là trong xóm Khuổi Chao xuất hiện gần chục người có vấn đề về thần kinh, nhưng đó chỉ là bệnh lý. Còn những lời đồn rằng, người dân ở Khuổi Chao đang bị “hổ tinh báo oán” vì con hổ này đã từng trú ngụ trên ngôi miếu thiếng bị phá bỏ, chỉ là lời đồn nhảm không có cơ sở khoa học của một số người. Chính quyền địa phương xã Bảo Linh đã đến từng gia đình trong bản tuyên truyền, vận động để người dân yên tâm lao động, ổn định cuộc sống”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét