Post Top Ad

Post Top Ad

chuyện cảm độngĐời sốngHótTin HotXã hội

Cảm động tấm chân tình của người con gái Tày cầm cố tài sản để cứu… gốc chè cổ thụ

Tươi nói sẽ cầm sổ đỏ nhà đất để có vốn đầu tư, nhưng tất cả mọi người trong gia đình đều ngăn cản. Chồng không những không thông cảm cho Tươi mà còn cương quyết cấm đoán. Tươi thường xuyên bị chồng đánh đập và hành hung (!?). Tươi bảo rằng, vợ chồng mà không hiểu nhau và không cùng chung tiếng nói thì nên ly dị.
Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Tươi – cô gái dân tộc Tày ở xã Ngam La, huyện Yên Minh, Hà Giang đã phải trải qua tuổi thơ bất hạnh để theo đuổi con chữ.

Tuổi thơ đói cơm, khát chữ…

Sinh ra và lớn lên nơi con người “sống trong đá, chết vùi trong đá”, Tươi luôn khao khát thoát khỏi sự nghiệt ngã để làm thay đổi cuộc sống đói nghèo ở “cổng trời”. Tươi sinh năm 1983, trong một gia đình có 4 anh chị em. Tuổi thơ của cô gắn liền với nhiều bất hạnh, đói nghèo và cơ cực. Khi lên 5 tuổi, bố mắc bệnh nặng rồi qua đời, cuộc sống gia đình càng thêm khốn khó. Lưng mẹ ngày càng còng hơn khi phải gồng gánh nuôi 4 đứa con thơ dại. Trong khi các bạn đồng trang lứa tung tăng cắp sách đến trường thì Tươi phải ở nhà chăm em để mẹ đi làm. Mỗi lần Tươi nhắc đến chuyện học hành, nước mắt mẹ lại rơi. Vì thương mẹ nên từ đấy Tươi không đòi đến trường nữa!.

Nguyễn Thị Tươi đã hy sinh hạnh phúc của mình để cứu cây chè cổ thụ

Cuộc sống cơ hàn đã cướp mất tuổi thơ của Tươi. Song mỗi buổi sáng, Tươi địu em trên lưng và lùa trâu ra đồng. Tươi thả trâu rồi địu em đến bên lớp học tạm để nhìn trộm con chữ. Tươi nhìn chăm chú từng nét vẽ trên bảng mà quên mất nhiệm vụ chính của mình là chăn trâu. Trâu ăn mạ của người khác và bị họ bắt đền. Mẹ vừa đánh Tươi vừa khóc. Mẹ bảo rằng, ngày mai mẹ sẽ xin cho con đi học. Mẹ cố đi làm thuê, làm mướn để con mình được cắp sách đến trường. Đáp lại công lao của mẹ, Tươi luôn luôn cố gắng học tập thật tốt. Với sự cố gắng không mệt mỏi, lực học của Tươi đã tiến bộ không ngừng.

Lên cấp 3, Tươi phải đi học xa nhà hơn 20 cây số. Mỗi lần xuống thị trấn học, Tươi phải đi bộ để tiết kiệm chi phí. Sau giờ học, Tươi lại tranh thủ đi rửa bát thuê để có tiền trang trải cuộc sống. Dù vất vả, nhưng Tươi luôn có tên trong danh sách học sinh giỏi của trường. Khi chuẩn bị tới ngày thi Đại học thì Tươi gặp tai nạn bất ngờ và phải nằm viện trong thời gian dài. Tươi đã bỏ lỡ cơ hội được bước vào giảng đường Đại học. Khi ra viện, Tươi cứ bần thần như người mất hồn, sống thui thủi một mình và không muốn tiếp xúc với bất cứ ai. Tươi càng buồn bã bao nhiêu thì mẹ lại khóc bấy nhiêu. Mỗi lúc như vậy, hai mẹ con lại ôm nhau khóc cạn nước mắt.

Trong lúc tuyệt vọng nhất, mẹ chính là động lực, là lẽ sống để Tươi tiếp tục thực hiện ước mơ của mình. Tươi đã quyết định đăng ký theo học hệ Trung cấp của Trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên. Ngày nhập học, mẹ vay mượn được 1 triệu đồng đưa cho con làm lộ phí nhập học. Thời gian này, Tươi đã phải nghĩ đến chuyện tìm kiếm việc làm thêm để có thu nhập. Với ý chí mãnh liệt như sức sống của cây dại mọc trên cao nguyên sỏi đá khắc nghiệt, cô đã đạt được những điều mình mong muốn. Tươi tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu và được nhận về làm việc tại Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Yên Minh. Tươi lấy chồng và có cuộc sống ổn định. Tươi tâm sự: “Cuộc sống của tôi là muôn vàn sóng gió. Tôi phải có đủ ý chí, nghị lực mới vững vàng vượt qua những khó khăn để nuôi dưỡng ước mơ. Sóng gió cuộc đời đã biến tôi trở thành một cô gái mạnh mẽ, kiên cường đến kỳ lạ.”

Bỏ tất cả chỉ để… cứu chè

Trong thời gian công tác tại địa phương, Tươi thấy một nghịch lý, tại sao địa phương có một loại chè cổ thụ quý giá mà người dân vẫn nghèo? Tươi bảo rằng, đây là loại chè quý mọc tự nhiên trên núi đá, có hương vị thơm ngon đặc biệt. Đã từ lâu, người dân nơi đây họ đã không mặn mà với cây chè, thậm chí họ đã tính đến chuyện chặt phá chè để trồng sắn. Hơn nữa, việc chế biến thủ công nên chưa thể sản xuất được sản phẩm đạt chất lượng. Chính vì vậy, chè mới chỉ được bán nhỏ lẻ cho các hộ dân trên địa bàn thôn xã chứ chưa có một tổ chức, cá nhân nào đứng ra thu mua và bao tiêu sản phẩm. “Mỗi lần về quê thấy cuộc sống của người dân cứ mãi luẩn quẩn trong đói nghèo, tôi càng quyết tâm phải làm việc gì đó để thay đổi cuộc sống nơi đây”, Tươi nói.

Rừng chè cổ thụ đã xanh trở lại và làm thay đổi cuộc sống của người nơi đây

Tươi đã trình bày với gia đình về nguyện vọng muốn gây dựng thương hiệu chè địa phương. Tươi nói sẽ cầm sổ đỏ nhà đất để có vốn đầu tư, nhưng tất cả mọi người trong gia đình đều ngăn cản. Chồng không những không thông cảm cho Tươi mà còn cương quyết cấm đoán. Tươi thường xuyên bị chồng đánh đập và hành hung (!?). Tươi bảo rằng, vợ chồng mà không hiểu nhau và không cùng chung tiếng nói thì nên ly dị. Tươi đã quyết định bỏ chồng để nghiên cứu cây chè. Tươi tâm sự: “Tôi rất buồn vì chồng không hiểu và thông cảm cho tôi. Tôi đã khóc rất nhiều. Nhưng, mỗi lần nghĩ đến cuộc sống khốn khổ của người dân, tôi lại càng thêm quyết tâm.”

Năm 2007, Tươi xin chuyển công tác về xã Ngam La để tiện đường tìm hiểu và nghiên cứu cây chè cổ thụ. Dẫu biết rằng, để phục dựng được thương hiệu cây chè cổ thụ là việc làm rất khó. Vì: “Trước đó, ở xã đã có một người là có biệt danh là “Bố Láu” đã đem chè Ngam La ra bán trên thị trường, nhưng vì rất nhiều lý do, sản phẩm không bán được. Ông này đã không được duy trì được việc sản xuất nên dẫn đến thất bại. Qua thất bại của những người đi trước, tôi đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Tôi đam mê cây chè và đã bỏ rất nhiều thời gian để nghiên cứu kiến thức về khoa học - kỹ thuật trong việc chăm sóc và chế biến sản phẩm. Tôi sẵn sàng theo đuổi mục tiêu đến cùng. Tôi tin mình sẽ làm được”, Tươi quả quyết.

Nói là làm, cô đã đem hết thời gian vốn liếng, thế chấp sổ đỏ, lấy tiền mua sắm vật tư, trang thiết bị để nghiên cứu cây chè cổ thụ. Tươi đem đề án đến gặp ông Chủ tịch UBND huyện Yên Minh và sự cố gắng của Tươi đã được đền đáp xứng đáng. Đề án đã được thông qua, HTX Hương vị núi đã được thành lập và chè Ngam La được đăng ký thương hiệu với Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ). HTX Hương vị núi đã đứng ra thu mua sản phẩm chè của người dân địa phương để chế biến rồi bán ra thị trường. Chè Ngam La được bán ra khắp tỉnh Hà Giang. Người dân lại đầu tư chăm sóc chè cổ thụ, thu nhập của họ cũng dần ổn định. Hiện, Tươi đang cố gắng phát triển và mở rộng thị trường trong và nước ngoài. Thành công đã mỉm cười với người dám nghĩ dám làm.

Trải qua bao giông tố của cuộc đời, Tươi rút ra chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống. “Tôi đã học được rất nhiều kinh nghiệm quý báu từ bất hạnh và thất bại của tuổi thơ khắc nghiệt. Cảm ơn cuộc đời đã sinh ra tôi không hề phẳng lặng để tôi có được ngày hôm nay”, Tươi chia sẻ.

Nguyễn Hoàng - Hôn nhân & Pháp luật

Giúp dân làng thoát nghèo “Chị Nguyễn Thị Tươi đã góp phần phục hồi thương hiệu chè cổ thụ Ngam La. Những gốc chè xù xì tưởng chừng sẽ bị lãng quên bởi thời gian, nay đã xanh trở lại. Chị đã giúp người dân có thêm thu nhập từ việc bán chè”, ông Nguyễn Văn Du - Bí thư Đảng ủy xã Ngam La cho biết.





Related Posts

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad