Trong suốt thời gian hành nghề, lương y Trần Thị Yên luôn được mọi người biết đến như một vị “thần y” - khắc tinh của loài rắn độc. Bà đã cứu biết bao người thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Đối với bà, việc kê đơn, bốc thuốc chữa bệnh cứu người là việc làm thiêng liêng, tích đức cho đời.
Nửa đời gắn bó với nghề
Mặc dù mái tóc đã hai màu, nhưng lương y Trần Thị Yên (60 tuổi, ngụ 581 quốc Lộ 51 A, tổ 31, khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành, Đồng Nai) vẫn miệt mài với nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Bà được biết đến như một lương y nổi tiếng với các bệnh về ngoài da… Nhưng ít ai biết rằng, bà còn là khắc tinh của những loài rắn cực độc. Khi nhắc đến lương y Yên, người ta gọi bà với mệnh danh “thần rắn”.
Lương y Trần Thị Yên sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề y lâu đời ở tỉnh Hà Nam. Bởi vậy, ngay từ khi còn nhỏ, bà đã được sống trong môi trường có đầy đủ điều kiện tiếp xúc với nghề y học cổ truyền. Chúng tôi ghé nhà lương y vào một buổi chiều đầu tháng 12. Dù khá bận rộn, nhưng bà vẫn dành thời gian ít ỏi để chia sẻ với chúng tôi về bí kíp chữa trị cho bệnh nhân bị rắn độc cắn.
Lương y Trần Thị Yên.
Bà cho biết: “Loài rắn, khi tấn công con người, chúng dường như đã trút hết sức lực và nọc độc vào mục tiêu. Nếu không kịp thời sơ cứu bằng cách cột dây ga rô ngăn nọc độc thì nạn nhân sẽ bị chất độc lan dần đến tim, dẫn đến tử vong. Ngoài ra, nếu bị rắn cắn, cần phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh xá gần nhất để được chữa trị”.
Từ nhỏ, bà Yên đã có sở thích nuôi và tìm hiểu về loài rắn. Thấy bà “cảm hóa” được những loài rắn cực độc, cầm chúng trên tay một cách nhẹ nhàng, người dân trong làng hết sức ngạc nhiên. Mặc dù đã học được phương thuốc gia truyền chữa rắn cắn từ cha mẹ, nhưng sau đó, bà tiếp tục theo một vị lương ỵ ở tỉnh Thái Bình. Bà nói rằng, học thêm các cách chữa bệnh khác để có nhiều hơn nữa những bài thuốc chữa rắn cắn. Tuy nhiên, nền tảng vẫn là những bài thuốc gia truyền của dòng họ bà.
Theo quan sát của PV, trong nhà lương y Yên hiện còn giữ lại rất nhiều hình ảnh các loài rắn cực độc. Nếu người bệnh tới chữa trị, chỉ cần nhận dạng bị loại rắn nào cắn, bà Yên sẽ nhanh chóng đưa ra phương pháp chữa trị kịp thời cho bệnh nhân. Những bệnh nhân ở xa tới, lương y Yên còn có chỗ nằm tĩnh dưỡng cho họ sau khi đã được chữa trị. Vì vậy, gần 30 năm nay, lương y Yên luôn được mọi người yêu quý và tin tưởng.
Nhớ về trường hợp chị Nguyễn Ngọc Huệ (43 tuổi, công tác tại Công an huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), lương y Yên kể: “Lúc đó trời gần trưa, cô Huệ đang lúi húi dưới bếp nấu đồ ăn trưa cho gia đình. Khi lau chùi bếp ga, chị phát hiện một con rắn màu đen chui ra từ tủ bếp. Cứ nghĩ là loại rắn bình thường, chị Huệ tìm cách đuổi nó ra khỏi nhà. Tuy nhiên con rắn vẫn nằm lì trong tủ. Nghĩ rằng đó là loại rắn không độc, chị ấy cố bắt nó để ném ra ngoài. Chị Huệ vừa giơ tay, con rắn bất ngờ lao tới quấn vào tay và cắn vào đầu ngón trỏ bên phải. Sau khi bị rắn cắn bất ngờ, vết thương trên tay chị Huệ bắt đầu tấy nhức. Chị chìm trong cảm giác đau đầu, cơ thể lúc nóng lúc lạnh. Một lúc sau, bệnh nhân ngất lịm”.
Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện Long Thành sơ cứu. Sau đó các bác sỹ cho chuyển lên tuyến trên. Những người thân trong gia đình chị Huệ sợ đường xá xa xôi nguy kịch đến tính mạng chị. Họ được lời giới thiệu về vị “khắc tinh” của các loại rắn cực độc, liền chuyển chị tới nhà lương y Yên.
“Lúc gặp nạn nhân, tôi thấy người chị ấy gần như đã thâm tím. Môi nạn nhân bắt đầu hình thành kiểu máu bầm hội tụ. Kiểm tra vết thương về triệu chứng vết rắn cắn, tôi đã xác định đây là loại hổ mang bành. Tôi cho nạn nhân uống nước sắn dây cho mát và giải độc. Tiếp tục kiểm tra, tôi nhận thấy huyết áp đã khá hơn. Và sau đó, chỉ dựa vào một ít thuốc gia truyền, bệnh nhân đã khỏi hoàn toàn”, lương y Yên nhớ lại.
Khắc tinh của nhiều loài rắn độc
Chị Huệ là trường hợp may mắn mà lương y Yên nhanh chóng phát hiện được loại rắn gì để nhanh chóng có phương pháp chữa trị ngay. Còn chị Hòa, ở Xuyên Mộc (Đồng Nai) thì khác. Chị bị rắn độc cắn trong đêm nên ngất xỉu ngay ở ngoài đồng. Người nhà không thấy chị Hòa nên đổ xô đi tìm. Họ phát hiện cơ thể chị Hòa đã tím ngắt, máu chảy ra từ tai, miệng, mắt và mũi. Lúc này, người nhà của chị Hòa đã đưa lên nhà lương y Yên chữa trị. Với trường hợp này, bà Yên mất khá nhiều thời gian để nhận diện loài rắn và chất độc để điều trị cho nạn nhân.
Lương y Yên với bệnh nhân.
Lương y Yên kể: “Lúc gia đình đưa nạn nhân đến, nhìn vết thương ở chân chị Hòa, tôi nghĩ đó là dấu vết của rắn hổ mang chúa. Khoảng cách hai vết răng to và cách xa nhau, chắc chắn con rắn này rất lớn. Hơn nữa, rắn hổ mang chúa vừa cắn vừa phun nọc độc. Chính vì thế, tôi thấy nhiều đốm nám xung quanh vết cắn trên chân của chị Hòa.
Dù phải mất rất nhiều thời gian nhưng tôi đã cứu sống được chị ấy. Cũng có rất nhiều bệnh nhân được người nhà đưa đến gặp tôi khi đã nguy kịch. Thậm chí có người bị rắn độc cắn buổi sáng nhưng mãi đến trưa mới tìm đến tôi. Tôi luôn khuyến cáo mọi người rằng, khi bị rắn cắn, nên nhìn xem hình dáng, màu sắc của chúng như thế nào và đến gặp tôi càng sớm càng tốt”. Vị lương y này khẳng định, mỗi loại rắn có những vết cắn và phun độc khác nhau, chỉ trong nghề mới có thể nhận dạng được. Từ đó, tôi áp dụng những phương pháp điều trị khác nhau hoàn toàn. Nếu lượng nọc độc của rắn phun vào cơ thể ít và yếu, mà cho liều thuốc chữa trị mạnh sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe nạn nhân và ngược lại.
Lương y Yên chia sẻ, những bệnh nhân bị rắn cắn, không nên xem thường mà phải có biện pháp sơ cứu ngay, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Nọc độc của rắn lan tỏa có thể phá hủy cơ quan nội tạng. Để nhận dạng về rắn có độc hay không độc, lương y Yên cho biết thêm: “Nếu rắn lành cắn thì hai hàm răng chúng để lại như hai dãy răng cưa trên chỗ vết thương. Với trường hợp này, chỉ cần một trái chanh cắt làm đôi chà lên vết thương là khỏi. Người bị rắn cắn mà thấy vết thương tròn, có hai dấu răng ở giữa, hoặc một dấu cũng là dấu hiệu để biết đó là rắn độc”.
Bà Yên có lời khuyên với mọi người, nếu không may bị rắn cắn, bước đầu tiên cần lấy dây buộc trên vết thương vài centimet, không cho nọc độc theo máu truyền đi khắp cơ thể. Sau đó lấy lá rau ngót, hoặc lá khoai lang, lá chuối non giã hoặc nhai nhuyễn đắp vào vết thương, giúp khống chế một phần nọc độc. Sau đó, pha một ly nước sắn dây nguyên chất hoặc lấy một nắm cây bông mã đề rửa sạch, vắt lấy nước cốt uống, còn bã đắp vào vết thương. Sơ cứu xong, bệnh nhân cần được chuyển ngay đến bệnh viện hoặc gặp bà để được chữa trị kịp thời.
Đã chữa cho rất nhiều người khỏi bệnh
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Sơn, Tổ trưởng tổ dân phố 31, khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành cho biết: “Thực tế ở địa phương tôi, lương y Yên đã chữa cho rất nhiều người bị rắn cắn và giúp họ khỏi bệnh. Bởi thế, bệnh nhân tìm đến lương y Yên rất đông. Ngoài việc chữa bệnh thì ở địa phương, lương y Yên cũng tích cực tham gia những hoạt động của tổ dân phố”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét