Post Top Ad

Post Top Ad

bảy núi an giangchuyen-li-kyChuyện lạchuyện lạ kỳĐời sốngTin Hottran-du

Cuộc đại chiến với trăn dữ khổng lồ của vị lão thành cách mạng khét tiếng vùng Bảy Núi

Núi Cấm (thuộc vùng Bảy Núi, An Giang) là vùng núi rừng một thời được mệnh danh là “miền đất dữ”. Sở dĩ núi Cấm có cái tên nghe rùng rợn như vậy là vì nơi đây có rất nhiều loài mãnh thú, đặc biệt có loài trăn khổng lồ, khiến người dân sinh sống quanh núi chịu nhiều phen khiếp đảm. 

Nhưng cũng ở chốn sơn lâm này, có một nhân vật được xem là khắc tinh của những loài ăn thịt sống, đó là ông Ba Thành, một lão thành cách mạng, nhân chứng sống hiếm hoi còn lại tại vùng Thất Sơn, đã từng nhiều lần giáp mặt, thu phục các loài mãnh thú khổng lồ đáng sợ...

Diện kiến cao nhân khắc tinh mãnh thú

Vùng Bảy Núi (An Giang) xưa vốn được xem là chốn rừng thiêng nước độc, với hệ thống núi non trùng điệp, ẩn chứa vô vàn điều kỳ bí. Nơi đây xuất hiện nhiều loài thú dữ khổng lồ và con người đã phải chiến đấu với chúng để bảo vệ mạng sống của mình. Trong bảy ngọn núi tọa lạc nơi đây, thì núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) được xem là một ngọn núi thiêng, nằm ở thế long chầu, đầu hướng về phía Nam có thể khởi phát hiền tài, nên người dân vẫn quy tụ về đây sinh sống. Có nhiều người đã lặn lội cả nghìn dặm tìm đến đây. Đó là những đạo sĩ, thầy tu, có lối sống khác người, muốn tách biệt với cuộc sống trần tục, để ẩn mình, tu thân, luyện võ, nghiên cứu các bài thuốc để tạo uy lực cho riêng mình..

Ông Ba Thành, thợ săn khét tiếng một thời.

Theo lời nhiều bậc cao niên kể lại: Các vị đạo sĩ, thầy tu sinh sống trên núi Cấm đều là những người rất gan dạ, vì hằng ngày họ phải đối mặt với nguy hiểm rình rập từ thú dữ. Thú trên núi Cấm không đa dạng nhưng luôn phảng phất tính huyền thoại. Đây là xứ sở của những giai thoại về rắn hổ mây khổng lồ, trăn tinh, hổ vằn, cho đến loài mãnh tượng (voi dữ). Ngày ngày tiếng gầm rú của mãnh thú núi Cầm vang xa cả một góc trời, khiến những ai yếu tim thì chỉ cần nghe thôi cũng đủ hồn bay phách lạc.

Các cụ cao niên cho biết, hiện trên núi Cấm vẫn còn một vị đạo sĩ kiêm thầy thuốc hơn 100 tuổi, vẫn ngày ngày an lạc. Vị đạo sĩ này là nhân vật kì tài đã từng đả bại hổ dữ, khuất phục rắn hổ mây khổng lồ. Còn dưới chân núi, cũng thuộc hàng cao nhân, nhưng không đi theo con đường đạo sĩ, có ông Võ Văn Thành (82 tuổi), một cán bộ lão thành cách mạng, từng sống và chiến đấu trong khu rừng núi Cấm. Ông chính là nhân chứng sống cho những cuộc đại chiến với thú dữ của vùng núi rừng huyền thoại một thủa. Ông Thành nguyên là cán bộ trinh sát, cũng là một thợ săn thiện xạ, từng giáp mặt, đánh nhau với nhiều loài thú dữ khổng lồ. Ông từng một mình đơn thương độc mã, tả xung hữu đột đánh nhau tay đôi với heo khổng lồ 3 chân, chém đứt cổ trằn tinh. Tuy nhiên, lúc đang trên đỉnh cao của nghề săn bắn thì ông đột ngột giải nghệ rồi về ở ẩn.

 Chặt đầu trăn khổng lồ bằng dao quắm

Kể về quãng đời săn bắn với chúng tôi, đôi mắt ông Thành vẫn sáng lên đầy tự hào, giọng nói trầm ấm như mở ra một trang sử cuộc đời hào hùng: “Trước đây, tôi không nói mình giỏi nhất, nhưng dám chắc chẳng thua một ai về chuyện lên núi Cấm săn thú dữ. Một khi tôi đã nhắm bắn thì ít con thú nào thoát được. Tôi từng gặp rắn hổ mây khổng lồ lớn như cái vành nón lá, dài hàng chục thước đi trên ngọn cây ào ào như giông bão, khạc hơi phù phù như gió, hay loài heo rừng mình lớn như con bò tót, nanh bén như lưỡi mác. Và có lẽ đến hết đời, tôi cũng không thể quên được lần giáp mặt, tử chiến cùng con trăn khổng lồ, có sức mạnh dị thường…”.

Tay nâng chén, chậm rãi nhấp từng ngụm trà nấu từ lá rừng thơm phức, ông Thành hồi tưởng: “Thời đó, quy tập ở vùng núi Thất Sơn cùng thời với tôi có lão đạo sĩ Nguyễn Văn Y (101 tuổi), từng đánh bại rắn hổ mây khổng lồ. Ngày nay, những cuộc di cư ồ ạt của người dưới xuôi lên các vùng núi, đã khiến thú rừng bị săn bắt đến kiệt cùng, hoặc nếu chúng còn sống sót cũng phải rút vào những hang động trên đỉnh núi hoang vu, ví như đỉnh Tà Lơn (Campuchia). Bởi thế, khi những thế hệ sau này được nghe kể về thú dữ trên núi Cấm, họ thường cho rằng đó là chuyện phóng đại…”.

Ông bảo: “Tôi sống đến ngần này tuổi rồi nhưng chưa từng biết nói chơi. Chuyện tôi từng đối mặt và giết chết con trăn lai khổng lồ xưa kia, là hoàn toàn có thật. Chú không tin có thể hỏi bất kỳ ai sống lâu năm trên núi này. Thằng Thắm, thằng Hào con trai tôi chúng nó cũng biết chuyện ngày trước tôi đánh nhau với trăn khồng lồ đó”.

Vùng Bảy Núi, An giang chứa đựng những câu chuyện huyền bí.

Lần đó, ông Thành đi chặt cây mây rừng tại khu vực vồ Bà (gần điện Bà Chúa Xứ - PV) về làm dây dựng nhà. Mải miết tìm cây, ông đi sâu vào rừng lúc nào không biết, lần theo những bụi mây rậm rịt, ông tới một miệng hang sâu lúc nào không hay. Bỗng ông nghe tiếng roạt…roạt rất mạnh, ông tưởng là sắp có giông bão. Nhưng ngay sau đó, ông thấy lùi lũi xuất hiện đầu một con trăn khổng lồ, với chiếc miệng rộng ngoác, há ra dữ tợn như muốn nuốt chửng ông.

Là người sống ở rừng núi lâu năm, ông Thành hiểu đặc điểm của loài trăn trên núi Cấm là khi nó mổ, đồng thời đuôi nó sẽ quật mạnh, rồi dung sức mạnh lao thẳng vào con mồi, tấm thân khổng lồ nhanh chóng mềm oặt ra như tấm chăn, quấn chặt và xiết lại cho đến khi con mồi nát bét, con trăn mới nuốt. “Ngay nhát mổ đầu tiên của con trăn, theo phản xạ tôi né mình sang trái, nhưng ngay lập tức con trăn quật mạnh đuôi tiếp tục lao vào người tôi. Do đã đề phòng, tôi nhanh chóng lách người sang một bên, nên lại tránh được cú quất đuôi đó. Tuy nhiên, cú quất đuôi hụt của con trăn vẫn đủ khiến cành cây xung quanh gẫy rụng rào rào. Con trăn “đổi chiến thuật”, rướn người mổ từ trên cao xuống, tôi lại cúi rạp người. Con trăn tiếp tục quất đuôi dưới đất, tôi bám lấy cành cây cổ thụ, gắng sức đu lên cây cao…”, ông kể.

Con vật hung tợn cay cú dung hết sức mạnh quấn quanh cả thân cây và người thợ săn đang đu trên cây đó. Nhưng thân hình khổng lồ của nó bị vướng bởi các cành cây. Còn ông Thành ở vị trí cao quan sát, dự đoán những cú tấn công của con mãnh xà, tránh né một cách chính xác và thong minh. Sau cả giờ đồng hồ quần thảo, con trăn khổng lồ đã thấm mệt, nó ít tấn công liên tục hơn. Bản thân ông Thành cũng không còn khỏe như lúc đầu, nhưng trí óc ông hoàn toàn minh mẫn. Ông hiểu rằng, chỉ cần buông tay, ông sẽ chết trong chiếc miệng khủng khiếp của con trăn. Cứ thế, một tay thợ săn lão luyện, một con mãnh thú hết tấn công, lại dè chừng nhau.

Lừa lúc con vật mất cảnh giác, nhanh như cắt, ông Thành một tay bám chặt vào cành cây, tay kia vung dao chém xuống cổ con trăn. Nhát dao tuy chém trúng và mạnh nhưng chưa đủ để làm đứt đầu trăn dữ. Bị tấn công bất ngờ, con trăn lồng lên phản công, nhưng sức nó đã kiệt, cộng thêm nhắt chém gần lìa đầu của ông Thanh, khiến con trăn dữ không thể cất cao được cổ. Nhằm lúc con trăn đang chúi đầu về phía trước, ông Thành đã ra nhát dao chém quyết định, giáng trúng cổ con vật. Ngay sau nhát chém đó, ông thấy những tia máu phun ra từ cổ con trăn xối xả, rồi con trăn ngửa đầu ra, cả thân mình khổng lồ của nó đổ rầm xuống đất, bất động… Đợi thêm một lúc, để biết chính xác con trăn khổng lồ đã chết, ông Thành mới leo từ cây xuống, chặt đứt đầu con trăn…

Những câu chuyện tưởng như chỉ có trong phim ảnh và không tồn tại, nhưng nó lại được chính những người trong cuộc kể lại. Câu chuyện kể trên là câu chuyện khá ly kì. Tuy nhiên, loạt bài đăng về những “khắc tinh núi rừng” của chúng tôi, sẽ còn đem đến cho độc giả nhiều câu chuyện hấp dẫn khác.

Related Posts

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad