Người đàn ông dân tộc Dao ấy đã lay lắt sống chung với bệnh tật gần chục năm, bị bệnh viện trả về, tưởng rằng không thể qua khỏi. Nhưng rồi nhờ vào nhờ vào những món lá thuốc được chế tác từ cây rừng, ông qua khỏi bệnh tật và làm lễ mua lại bài thuốc kỳ diệu đó từ vị thầy thuốc đã “cải tử hoàn sinh” cho mình. Bài thuốc có giá siêu rẻ, chỉ 5 ngàn đồng/thang, đã cùng ông hành hiệp cứu sống nhiều bệnh nhân nghèo…
Trở thành thầy lang nhờ cơ duyên hiếm có
Người đàn ông đó là ông Hoàng Ngọc Cảnh (SN 1959, trú tại bản Tân Trang, xã Tân Trinh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang).
Một buổi chiều đầu mùa hạ, cái nắng chói chang dường như bị đẩy lùi phía sau những tán lá rừng, chúng tôi tìm đến ngôi nhà gỗ mái tranh của ông Cảnh trong một bản người Dao ở Hà Giang. Biết chúng tôi là phóng viên đến tìm hiểu câu chuyện về bài thuốc quý mà hiện tại gia đình đang giữ, ông Cảnh cùng vợ niềm nở tiếp chuyện.
Ông Hoàng Ngọc Cảnh.
Bà Hoàng Thị Túc (SN 1960), vợ ông Cảnh xúc động cho biết: “Ông nhà tôi đến được với nghề lang âu cũng là cái cơ duyên hiếm có, đó đồng thời là niềm vui của cả gia đình...”. Bà Túc kể, hơn 30 năm trước, cũng như những cặp trai gái khác ở cái bản người Dao này, cảm mến cái tài vượt rừng băng suối như con sóc trong rừng sâu, lại cộng thêm cái tính chăm chỉ làm lụng của ông Cảnh, bà đã cùng ông nên duyên vợ chồng. Hạnh phúc mới chớm nở chốn thâm sơn đã vội héo hon sau khi ông bà có với nhau được hai mặt con.
Bà Túc cho biết, thời gian năm đầu những năm 1980, ông Cảnh nằm liệt giường sau một lần ngã bệnh. Do chủ quan về sức khỏe, vả lại điều kiện kinh tế cũng còn khó khăn, nên mãi đến khi bệnh trầm trọng thì gia đình mới quyết định đưa ông Cảnh đi điều trị. Tại Bệnh viện Bắc Quang (Hà Giang), bác sĩ chẩn đoán ông Cảnh bị bệnh viêm gan, sức khỏe đã suy kiệt… Bà Túc đã ngất lên ngất xuống vì thương chồng bệnh nặng mà trong nhà không còn một đồng xu cắc bạc. Chạy vạy khắp nơi vay mượn của anh em họ hàng và người thân, góp cùng với số tiền bán hai con lợn, cái tài sản duy nhất có giá trị trong nhà, bà Túc cũng chỉ đủ tiền lo viện phí cho chồng đi khám và điều trị một thời gian ngắn. Ngày ấy, kinh tế gia đình ông bà quá khó khăn, trong nhà gần như chẳng còn gì sau khi đã dồn hết vốn liếng đi chữa bệnh cho ông Cảnh.
Sau một thời gian chữa Tây y thấy bệnh không thuyên giảm, sức của ông Cảnh ngày càng yếu, cả gia đình dường như đã không còn hy vọng gì nữa… Đưa chồng từ viện về, bà Cảnh bắt đầu xoay sang tìm hiểu các phương thuốc Nam để chữa chạy, giành giật mạng sống của chồng. Hễ bất cứ ai mách thầy lang nào cao tay, bà cũng đều tìm đến để xin thuốc, mong cứu chồng thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Bà Túc luôn là điểm tựa cho ông Cảnh trong mỗi chuyến đi rừng kiếm thuốc cứu người.
Rồi vào năm 1986, sau khi đã tìm đến 14 thầy lang, thông qua một người quen trong xã giới thiệu, ông Cảnh tìm đến ông lang thứ 15 tên là Bàn Văn Tráp (người huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang). Sau khi theo thầy, bám thuốc suốt một năm trời thì sức khỏe ông Cảnh dần bình phục, bệnh tật cũng tiêu tan dần...
Lúc ông Cảnh ngã bệnh, là lúc bà Túc đang mang thai cậu con trai út. Nghĩ lại những ngày bụng mang dạ chửa, phải vượt núi băng rừng trong đêm tối đi chăm chồng, mà bà… ứa nước mắt: “Khi đó, suýt chút nữa là tôi đã phải bỏ đi thằng út, vì sợ ăn uống không đủ chất, lại phải đi chăm chồng dễ sinh nó ra yếu ớt lại khổ. Nhưng chồng tôi không cho, bắt giữ lại vì dù sao nó cũng là máu mủ, là khúc ruột của mình…”
Tầm cuối năm 1987, ông Cảnh khỏi bệnh thì đầu năm 1988, bà sinh ra cậu con trai út, ban đầu bé tẹo như cái kẹo, như con chim non, cả nhà ai cũng thương. Nhưng may sao, sức khỏe công Cảnh nhanh chóng hồi phục, đứa con út cũng lớn lên khỏe mạnh, lanh lợi.
Bài thuốc quý “hành hiệp” cứu đời
Nhờ bài thuốc bí truyền kỳ diệu mà ông Cảnh thoát được “án tử” và cùng với vợ mình, ông bà đã cứu được nhiều người thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.
Ông Cảnh kể: “Ông lang Tráp không hề có ý định truyền lại bài thuốc cho 5 người con của mình, nên sau thời gian ăn ở tại gia đình, khi tôi ngỏ ý muốn học bài thuốc, ông cụ tỏ ra lưu tâm. Nhưng cụ vẫn có ý thử thách lòng thành, nên đến khi tôi mang đồ lễ sang xin lại bài thuốc quý ông cụ mới bảo tôi cứ đi theo vào rừng học cách nhận diện cây thuốc đã. Rồi sau đó một thời gian cụ mới chỉ cho cách cắt thang, bốc thuốc cho bệnh nhân”.
Do không có sách vở lưu lại theo bài mà phải học theo kiểu truyền miệng và nhập tâm, nên các bài thuốc rất khó để nhớ. Phải mất gần 1 năm trời theo ông Tráp vào rừng kiếm thuốc, trị bệnh, ông Cảnh mới thuộc được hầu hết các ngón nghề và phương thuốc bí truyền trên.
Ông Hoàng Ngọc Cảnh, truyền nhân duy nhất của phương thuốc trị bệnh gan bí truyền của dòng họ Bàn.
Bài thuốc được bào chế từ 6 loại rễ, thân cây rừng, các vị thuốc được bào chế tươi là tốt nhất, người bệnh điều trị ở đây thường thì phải điều trị liên tục trong vòng 3 đến 4 tháng và uống liên tục, mỗi ngày một ấm. Sau 4 tháng điều trị, nếu thấy đã khỏi mà muốn điều trị dứt điểm thì người bệnh còn phải ở lại uống thêm 3 loại cây thuốc nữa.
Phương thuốc này dùng điều trị một số bệnh như: Viêm gan A, B, to gan, sa gan, xơ gan. Nếu bị nặng như thuộc diện ung thư gan thì chỉ có thể điều trị ở diện cầm chừng và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh chứ không thể chữa khỏi được…
Nhờ có bài thuốc này mà ông Cảnh đã chữa khỏi được cho nhiều người ở trong bản và ngoài bản, thậm chí nhiều người còn đi từ các tỉnh ngoài như Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh và miền Trung… đến để được ông điều trị trực tiếp.
Ông Hoàng Văn Hoàn (49 tuổi, người cùng thôn) đã được ông Cảnh điều trị khỏi bệnh viêm gan B sau 3 tháng. Ông Hoàn cho biết: “Tôi biết đến bài thuốc của ông Cảnh khi đã bắt đầu có hiện tượng vàng da. Khi đó người tôi rất mệt mỏi, đi khám bệnh thì phát hiện ra mình bị viêm gan B. Tôi đến bệnh viện thì bác sĩ cho biết là không thể chữa khỏi được nên tôi ra viện, về nhà bốc thuốc. Sử dụng bài thuốc của ông Cảnh, tháng đầu tiên, tôi đã không còn thấy mệt mỏi như trước, có thêm nghị lực chống bệnh tật. Hết tháng thứ 3 và thêm 3 món thuốc nữa thì đến nay tôi đã khỏi hẳn. Tôi thật sự cảm động, mang lễ đến cám ơn và xin được làm anh em kết nghĩa với ông ấy…”.
Ngoài ra, PV được biết ông Hoàng Văn Tuyến (SN 1966, người cùng địa phương) cũng bị bệnh viêm gan B, được phát hiện ra sau khi đi bệnh viện khám vào đầu năm 1997. Do phát hiện bệnh lúc đã nặng, nên ông phải mất gần một năm điều trị tại nhà ông Cảnh. Đến nay, ông Tuyến đã hoàn toàn khỏi bệnh.
Trường hợp ông Kiên (56 tuổi, người dân tộc Pà Thẻn, ở bản Tà Ngảo, xã Tam Trinh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) bị bệnh xơ gan cổ trướng, là căn bệnh nan y, cũng sử dụng thuốc của ông Cảnh. Mặc dù không thể chữa khỏi, nhưng nhờ vào món thuốc kỳ diệu, ông này đã kéo dài tuổi thọ từ năm 2002 đến nay.
Trước đây, ông Cảnh cũng chỉ chữa bệnh giúp người chứ không mong đến chuyện công sá, những người được ông chữa khỏi mang lễ đến cám ơn cũng chỉ con lợn con, con gà hay vài gói bánh. Nay vì nguyên liệu khan hiếm, nên ông lấy tiền thuốc giá 5000 đồng/ấm thuốc.
Câu chuyện về người đàn ông có vóc dáng gầy gò, cùng bài thuốc quý và câu chuyện về nghĩa vợ, tình chồng của họ đã được người dân địa phương truyền tai nhau như một hình ảnh đẹp nổi lên giữa đại ngàn…
Bà Tạ Thị Hoan (phó chủ tịch xã Tân Chinh, huyện Quang Bình) cho biết: "Trường hợp ông Cảnh hành nghề y học cổ truyền, mặc dù đến nay vẫn chưa có kết luận cũng như ý kiến từ phía cơ quan chức năng thẩm định hiệu quả của bài thuốc, tuy nhiên hoạt động chữa bệnh của ông này là có thật. Người dân địa phương cũng rất quý trọng ông ấy, bởi chỉ với phương pháp chữa bệnh đơn giản là bằng các cây thuốc được hái trong rừng, mà có thể chữa bệnh được cho một số người ở địa phương và họ đến cám ơn gia đình, thậm chí còn kết nghĩa anh em, vì nhà tôi và nhà ông này cũng ở cách nhau không xa lắm. Mong rằng thời gian tới, cơ quan ban nghành liên quan sẽ có buổi làm việc trực tiếp với gia đình và bản thân ông Cảnh để thậm chí có thể nhân rộng mô hình hoạt động mà từ đó có thể giúp được nhiểu người đang mắc bệnh ung thư như ông Cảnh trước đây đã mắc phải...”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét