Post Top Ad

Post Top Ad

Chuyện lạlich-su-viet-namTham-cung-bi-suTin Hotvua

Ông vua duy nhất trong lịch sử 108 vua chúa Việt… cưới vợ Tây

Lê Thần Tông (1607 – 1662) là vị vua hiếm có trong lịch sử 108 vua chúa Việt Nam, có 6 vợ thì 4 bà là người ngoại quốc. Sử sách chép, ngoài bà vợ đầu tiên là Trịnh Thị Ngọc Trúc, Hoàng đế Thần Tông có 5 phi tần nữa và điều kỳ lạ rằng, mỗi bà thuộc một dân tộc khác nhau. Sử sách chép, ngoài bà vợ đầu tiên là Trịnh Thị Ngọc Trúc, Hoàng đế Thần Tông có 5 phi tần nữa và điều kỳ lạ rằng, mỗi bà thuộc một dân tộc khác nhau.

Vị vua hai lần làm vua

Vua Lê Thần Tông có tên húy là Lê Duy Kỳ. Lê Thần Tông là vị vua thứ 17 của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Ông vị hoàng đế thứ 6 của nhà Lê Trung Hưng - còn nổi tiếng với những mối tình lạ kỳ ở chốn nhân gian vừa như hư ảo, lại vừa là sự thực. Ông là con trai trưởng của vua Lê Kính Tông và hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh, con gái thứ của chúa Bình An vương Trịnh Tùng.

Tháng 5 năm 1619, sau khi vua Kính Tông bị buộc phải thắt cổ chết, Bình An vương lập cháu là Duy Kỳ, khi đó mới 12 tuổi lên ngôi vua. Vào tháng 6 năm 1619 thì đổi niên hiệu thành Vĩnh Tộ năm thứ nhất.

Lê Duy Kỳ được đánh giá là vị vua có tướng mạo đế vương với sống mũi cao, mặt rồng. Ông cũng được nhận định là người thông minh, học rộng, có mưu lược sâu sắc, giỏi văn chương. Vua Lê Thần Tông đã từng có ý định đoạt lại quyền hành cho họ Lê. Tuy nhiên, do Trịnh Tùng là ông ngoại của ông, Trịnh Tráng vừa là cậu, lại vừa là bố vợ nên ông đã không đoạt lại quyền bính nữa.

Vào tháng 7 năm 1623, nhân dịp Bình An vương Trịnh Tùng qua đời, Trịnh Xuân lại thêm một lần nữa đem quân nổi lên để tranh ngôi chúa. Vương thế tử Trịnh Tráng cùng vua kéo quân ra Thanh Hóa để dẹp loạn.

Năm 1630, Lê Thần Tông lấy con gái của Trịnh Tráng là Trịnh Thị Ngọc Trúc làm hoàng hậu. Ngọc Trúc vốn là vợ của người bác họ vua là Lê Trụ. Khi ấy, Lê Trụ bị giam trong ngục. Trịnh Tráng đem Ngọc Trúc gả cho Thần Tông. Triều thần là Nguyễn Thục, Nguyễn Danh Thế nhiều lần dâng sớ can, nhưng lúc đó Thần Tông không có thực quyền, biết mình không thể chống lại chúa Trịnh nên không thể nghe can ngăn, bèn nói rằng: “Xong việc thì thôi, lấy gượng vậy”.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi chép về việc này: “Vào năm Canh Ngọ 1630, niên hiệu Đức Long thứ 2, tháng 5, Vua lấy con gái Vương (Trịnh Tráng) là Trịnh Thị Ngọc Trúc, lập làm hoàng hậu.

Trước, Ngọc Trúc đã lấy người bác họ của Vua là Cường quận công Lê Trụ, sinh được 4 con. Khi ấy, Lê Trụ bị giam, Vương đem Ngọc Trúc gả cho Vua. Vua lấy vào cung.

Triều thần là Nguyễn Trực, Nguyễn Danh Thế nhiều lần dâng sớ can. Vua không nghe mà nói rằng: Xong việc thì thôi, lấy gượng vậy. Từ hôm ấy trở đi, trời mưa dầm ngày đêm không ngớt...”. Khi nhập cung, Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc không chỉ có vai vế là trưởng bối, mà còn hơn vua Thần Tông đến mười hai tuổi.



Song, ở ngôi vị quốc mẫu không được bao lâu, bà Ngọc Trúc đã mang theo con gái Ngọc Duyên (con của bà và Lê Trụ) rời cung, tu hành tại chùa Bút Tháp ở phía tây thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Linh mục Alexandre de Rodes từng viết về bà hoàng Trịnh Thị Ngọc Trúc với rất nhiều lời ngợi khen: Bà rất thông chữ Hán, giỏi về thơ, chúng tôi gọi bà là Ca-tê-ri-na vì bà giống Thánh nữ về nhiệt tâm cũng như đạo hạnh, về những đức tính tinh thần cũng như sang trọng về dòng họ.

Tháng 10 năm 1643, vua Lê Thần Tông nhường ngôi cho con là Lê Duy Hiệu sau khi ở ngôi được 25 năm. Về phần mình ông lên làm Thái thượng hoàng, còn Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc làm Hoàng thái hậu.

“Đại Việt sử ký toàn thư” chép về điều này như sau: “Lê Chân Tông lên ngôi, tôn vua cha làm Thái thượng hoàng, Hoàng hậu Trịnh Thị làm Hoàng thái hậu…”. Đến tháng 8 năm 1649, Duy Hiệu mất sớm, vua Lê Thần Tông trở lại ngôi đến tháng 9 năm 1662 thì qua đời, hưởng thọ 56 tuổi, trị vì 37 năm.

Cũng trong năm 1662, nhà Minh cử người sang phong Thượng hoàng Thần Tông làm An Nam quốc vương. Ông là vị vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam làm vua hai lần. Thời bấy giờ xem ông là bậc vua giỏi, chỉ chê ở hai điểm: chốn cung vi không có đế độ và mê hoặc Phật giáo. Sau khi vua mất vào năm 1662 thì được táng tại Ngọc Long, xã Quần Lai, huyện Lôi Dương (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá).

Trong quá trình trị vì của mình, vua có được mối quan hệ rất tốt với các Chúa Trịnh. Cả sáu người con gái của vua Lê Thần Tông đều được gả cho các con cháu của Chúa Trịnh. Quan hệ giữa vua chúa ổn định đã góp phần làm cho đất nước thời kỳ này tương đối ổn định, đời sống của người dân tốt đẹp hơn.

Thứ phi Tây và chuyện sáu bà hoàng nhập thần vào tượng

Sau Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, ông Lê Thần Tông còn có 5 thứ phi nữa. Việc vua có nhiều phi tần mỹ nữa không phải là điều lạ. Song, với vua Lê Thần Tông, việc rất lạ là những người thứ phi của vua thuộc các dân tộc khác nhau: Thái, Mường, Hán, Lào và đặc biệt là người vợ thứ sáu là một người phụ nữ Hà Lan.

Từ đầu thế kỷ XVII, ở Đàng ngoài có khá nhiều kiều dân châu Âu đến làm ăn buôn bán. Ngay ở Thăng Long, phường Giang Khẩu (sau đổi thành Hà Khẩu), nay là khu vực phố Hàng Buồm, Nguyễn Siêu, bên cửa sông Tô nối với sông Hồng, trên bến dưới thuyền tấp nập, không chỉ có người Trung Quốc mà còn có nhiều người Hà Lan, Anh, Bồ Đào Nha… đến buôn bán, mở nhiều cửa hàng.



Trong sách Tường trình về Đàng ngoài của linh mục Alexandre de Rhodes cũng có nói đến việc người Hà Lan chiếm số đông và có ưu thế hơn những người châu Âu đến làm ăn ở Đàng ngoài.

Sách đã ghi việc chúa Đàng ngoài đã cầu cứu các thương gia người Hà Lan khi ấy đã chiếm đóng Java (Indonesia), xin cung cấp cho một số tàu tròn… Và người Hà Lan đã đồng ý ngay vì biết vua chúa Đàng ngoài cần những tàu đó để tiến đánh chúa Đàng trong. Mà, chúa Đàng trong những năm đó đã công khai tỏ ra thù địch với người Hà Lan.

Việc liên minh có tính quân sự của Đàng ngoài với người Hà Lan đồng thời với việc người Hà Lan đến miền Bắc Việt Nam làm ăn nhiều hơn. Công ty Đông Ấn của Hà Lan đã liên tục lập những thương điếm ở Phố Hiến, ở Kẻ Chợ,… mở mang thêm nhiều cuộc làm ăn buôn bán với Đàng ngoài.

Trong bối cảnh cuộc sống xã hội như vậy, vua Lê Thần Tông, một người rất đẹp trai, sống mũi cao, da trắng, thông minh, học rộng, giỏi văn chương đã có cơ hội chiêu nạp vào hậu cung của mình một người vợ Hà Lan.

Người vợ thứ sáu của vua Lê Thần Tông là người Hà Lan lai Triều Tiên tên Orona. Đây cũng chính là bà hoàng người Châu Âu đầu tiên và duy nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Tài liệu ghi rằng, người vợ thứ sáu của vua Lê Thần Tông là con gái của Phó toàn quyền Hà Lan tại Đài Loan.

Trong chuyến cùng thương đoàn Hà Lan sang Việt Nam vào năm 1630, bà Orona được gặp vua Lê Thần Tông ở kinh thành Thăng Long. Khi đó, nghe theo lời của bố, bà ở lại Việt Nam làm vương phi của vua Thần Tông.

Những ngày ở Thăng Long, bà buồn rầu vì lần đầu tiên sống ở kinh thành với hầu hết những người không biết. Thêm vào đó, việc không biết nói tiếng Việt cũng cản trở bà rất nhiều trong việc giao tiếp với những người xung quanh. Bà đã học tiếng Việt để có thể giao tiếp với mọi người.

Việc vua Lê Thần Tông có một người vợ Tây đã là chuyện đặc biệt. Nhưng, đặc biệt hơn cả là việc cả sáu người vợ của vua Lê Thần Tông đều sống rất hòa thuận với nhau. Ngay cả khi chết, cả sáu người vợ này cũng bày tỏ ý nguyện có thể ở bên nhau mãi mãi.

Tương truyền rằng sáu pho tượng nhập thần của sáu người vợ vua Lê Thần Tông ở chùa Mật Sơn, tỉnh Thanh Hóa là do sáu bà cùng lòng cùng sức bỏ tiền công đức ra làm, với nguyện ước mãi mãi bên nhau. Trong đó, tượng bà Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc ngự trên toà sen còn các bà khác đội vương miện trong tư thế tọa thiền.

Mỗi pho tượng thể hiển một nét dung nhan khác nhau và thấy rõ trang phục của mỗi bà đúng theo y phục dân tộc của từng người. Đặc biệt, y phục, váy áo của pho tượng tạc bà người Hà Lan, dù là tượng thờ, cổ áo trong vẫn trễ xuống để lộ một mảng ngực. Năm 1959, năm pho tượng vợ vua Lê Thần Tông đã được rước về đền Nhà Lê – di tích được xếp hạng Di tích lịch sử cấp nhà nước - chỉ cách chùa Mật Sơn chừng hơn cây số, thuộc địa phận phường Đông Vệ.

Riêng tượng bà Trịnh Thị Ngọc Trúc được đưa về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ngày nay, người Việt Nam sống trên đất nước Việt Nam mà lấy vợ người nước khác, kể cả lấy vợ là người Âu Mỹ không còn là chuyện lạ nữa.

Nhưng, ở thời điểm cách đây cả 400 năm thì việc một ông vua của chế độ phong kiến Việt lấy người vợ Tây vẫn thực sự là điều rất lạ lẫm, nhất là khi những người vợ ấy có thể sống hòa thuận với nhau




Related Posts

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad