Post Top Ad

Post Top Ad

Đời sốngGóc gia đìnhPhải lòngTin HotTrường SaXã hội

Chuyện tình cảm động của người anh hùng…thà chết không để mất đảo

“Em yêu quý, anh sẽ xin xuất ngũ…về chỉ ở nhà, giữ nhà cho em…”, những dòng chữ giản dị, chân thành của thiếu úy Trần Văn Phương, anh hùng LLVTND được vợ anh, chị Mai Thị Hoa đọc chậm rãi trong niềm xúc động bồi hồi. Khi thiếu úy Phương ngã xuống trong tư thế quyết giữ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) ngày 14/3/1988, chị đang mang trong mình giọt máu của anh. Sau này, chị đã đặt tên cho con gái là Thủy - nghĩa là nước- với ước mong rằng, dòng nước ngọt ngào ấy sẽ chảy mãi, để chị luôn cảm nhận được sự hiện diện của anh trong trái tim mình…

Lá thư định mệnh

Sau những ngày nghỉ Tết cùng với gia đình, ngày 10/1/1988, anh Trần Văn Phương bắt xe về đơn vị để kịp chuyến công tác cùng đồng đội. Cả nhà không ai ngờ rằng, đó là kì nghỉ phép, cũng là chuyến công tác cuối cùng của anh. Về đến đơn vị, anh viết cho chị một lá thư đầy yêu thương. Anh dặn chị nhớ giữ gìn sức khoẻ, đừng gửi thư vào cho anh nữa, bởi vì anh sắp đi công tác ở Trường Sa. Vì công việc, đến cả địa chỉ cố định anh cũng chưa có…

Chuyến tàu ra đi gặp bão. Anh cùng đồng đội trở lại đất liền, và lại tranh thủ thời gian viết thư về cho chị. Trong thư anh viết: “Đi chuyến công tác này về anh sẽ xin xuất ngũ. Anh về sẽ không làm gì cả, chỉ ở nhà để giữ nhà cho em…”. Sau thời gian tránh bão, đoàn công tác lại ra với Trường Sa xa xôi.

Bức thư giản dị của thiếu úy Trần Văn Phương gửi cho vợ

Ngày 14/3/1988, anh đã cùng những đồng đội của mình quyết bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc-ma. Trong trận chiến không cân sức, anh và những đồng đội của mình đã anh dũng hi sinh. Khi đó, thiếu uý Trần Văn Phương là cán bộ chỉ huy lực lượng bảo vệ việc xây dựng trên đảo.

Lịch sử hải quân nhân dân Việt Nam ghi lại gương hy sinh anh dũng của thiếu úy Trần Văn Phương như sau: “Năm 1988 đó, ở vùng biển Trường Sa, cụm đảo Sinh Tồn, chiếc HQ 505 mở hết tốc lực máy, giật đứt neo, lao thẳng lên bãi cạn, khẳng định chủ quyền Việt Nam trên đảo Cô lin, khi đã trúng đạn pháo. Sáng ngày 14/3/1988, đồng chí Nguyễn Văn Lanh trong khi cùng đơn vị vận chuyển vật liệu từ tàu HQ 604 lên đảo thì tàu địch đến bao vây, uy hiếp. 

Tình thế rất căng thẳng. Khi địch đổ quân xuống đảo, ép bộ đội, giật cờ của ta hòng chiếm đảo, theo lệnh của đồng chí Trần Đức Thông, chỉ huy cụm đảo: “Đồng chí nào biết bơi thì bơi ngay vào đảo hỗ trợ cho các đồng chí trên đảo bảo vệ cờ”. Nguyễn Văn Lanh cùng 11 anh em khác nhảy ngay xuống biển và bơi vào đảo. Khi đó trên đảo, địch đã nổ súng, đồng chí Trần Văn Phương, người giữ cờ bị trúng đạn, anh vẫn hiên ngang giữ ngọn cờ chủ quyền tại đảo Gạc Ma và hô vang: "Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu mình tô thắm lá cờ truyền thống của hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng”.

Vợ chồng người anh hùng trong ngày cưới

Sau bốn năm hai tháng ở lại với đồng đội ngoài đảo xa, tháng 5/1992, liệt sĩ Trần Văn Phương đã “trở về” cùng với gia đình, mãi mãi yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Quảng Phúc. Cách đấy không xa là ngôi nhà hạnh phúc của anh chị đang mở rộng cửa đón ánh sáng .Anh đã trở về với chị, giữ lời hứa trở về Đơn Sa để giữ nhà cho chị…

Chị kể, anh chị cưới nhau chưa đầy năm thì anh đi công tác ở Trường Sa. Rồi chị nhận được tin anh hi sinh ở ngoài đảo, cũng vừa lúc nhận được lá thư cuối cùng anh gửi cho chị. Khi đó chị chỉ mới 22 tuổi, đang mang thai được một tháng – giọt máu mà liệt sĩ Trần Văn Phương để lại. Anh hi sinh mà không kịp biết mình đã được làm cha… 

Chị bảo rằng, chị còn may mắn hơn những người khác, bởi vì chị đang ở bên anh, được nói chuyện, được kể với anh những câu chuyện mới… Nhưng câu chuyện về chị, có mấy ai hiểu và cảm thông cho chị hay không…Chồng chị, liệt sỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Phương, là một trong số hơn 60 liệt sỹ đã nằm lại Trường Sa năm 1988, để bảo vệ lá cờ khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. Đôi mắt của người vợ trẻ đã cạn nước mắt. Trong chị giờ chỉ có niềm tin và hy vọng vào giọt máu của anh.

Ngày ấy, chị đặt tên con là Thuỷ – Trần Thị Thuỷ. Và “dòng nước” ngọt ngào ấy cứ mỗi ngày lại chạy sang nghĩa trang thắp hương cho bố, kể cho bố nghe những chuyện vui, chuyện buồn. Thuỷ vẫn luôn hỏi mẹ về bố, bố như thế nào, có hiền không, con có giống bố không?

Từ bé, Thuỷ luôn khao khát có được một đứa em để chăm sóc, trò chuyện. Có lần chị thấy Thuỷ khóc bên mộ bố: “Ai cũng có anh chị em, còn con thì lại không có. Vì răng hả ba?”.

“Dòng nước” tình yêu cứ chảy mãi…

Trong ký ức tuổi thơ, qua những câu chuyện mẹ kể, Thủy chỉ biết bố đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ngày Thủy lên bốn tuổi, hài cốt của liệt sĩ Phương được đưa về quê nhà, yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ xã. "Lúc đó mẹ bảo bố đã về, em đưa mắt ngơ ngác nhìn. Đến lúc cầm nén hương thắp cho bố và thấy mẹ khóc, em mới ý thức được ông đã hi sinh", Thủy bồi hồi nhớ lại.

Những ngày sau đó, ngôi mộ của liệt sĩ Phương nằm cách nhà chưa đầy 100m là nơi Thủy thường lui tới chơi đùa. Cô bé còn cẩn thận ngắt từng bông hoa trồng được trong vườn nhà ra đặt lên mộ phần, tâm sự khi vừa bị mẹ đánh đòn hay khoe với bố được cô giáo cho điểm 10…

Chị Mai Thị Hoa hiện tại

Có lúc Thủy nhìn chằm chằm vào di ảnh của bố, rồi lại chạy đến soi gương rồi khoe với mẹ "nhìn con giống bố lắm phải không mẹ, mai này con lớn nhất định sẽ theo nghiệp bố để được mặc chiếc áo hải quân". Chị Hoa lại ôm cô con gái vào lòng, nước mắt trực trào.

Tốt nghiệp trường hệ cao đẳng ngành Việt Nam học tại trường Đại học Quảng Bình năm 2009, Thủy làm mọi người bất ngờ khi làm đơn xin đi làm việc tại Trường Sa. Bà Hoa sau một hồi suy đi tính lại, nói với con gái: "Mẹ chỉ có mình con, thân gái dặm trường đã ra Trường Sa thì phải gắng làm tốt nhiệm vụ, môi trường quân ngũ khắc nghiệt lắm". Trước hôm lên đường, Thủy ôm mẹ động viên: "Con là con gái của bố Phương, nhất định Trường Sa sẽ là ngôi nhà thứ hai của con".

Thủy tâm sự rằng những chuyến ra đảo Trường Sa là những lần để lại trong cô nhiều cảm xúc nhưng nhớ nhất vẫn là lần thứ hai cô đạp sóng ra biển. "Em đang say sóng thì các chú Hải quân gọi dậy, bảo là đang đi qua vùng đảo Gạc Ma. Phóng tầm mắt ra xa, em như nhìn thấy cha đang đứng dưới lá cờ Tổ quốc", Thủy bồi hồi kể.

Lữ đoàn 146 không còn những người lính cùng thời với liệt sĩ Phương, nhưng khi biết Thủy là con gái người anh hùng, ai cũng nhiệt tình giúp đỡ. Và câu chuyện tình Trường Sa của Thủy với chàng thiếu úy Nguyễn Hồ Hải cũng được dệt lên từ những đợt sóng xô bờ.

"Vốn cùng quê, em và anh Hải quen nhau từ ngày em đi thực tập nhưng hầu như chỉ nói chuyện vu vơ qua điện thoại. Khi vào làm việc tại đây, chúng em có thêm nhiều kỷ niệm đẹp và quyết định đi đến hôn nhân", Thủy kể và cho biết nhiều lúc ngồi nghĩ hai cái tên Thủy – Hải có sự gắn kết như duyên tiền định.

Rồi ngày cô con gái chào đời, hai bên nội ngoại đang loay hoay tìm cái tên để đặt cho cháu thì hai vợ chồng Thủy đã đề nghị đặt tên con là Nguyễn Trần Navy. Nhiều người thắc mắc, Thủy giải thích ngắn gọn nhưng đầy thuyết phục: "Navy theo tiếng Anh có nghĩa là Hải quân ạ!".

Người anh hùng đã ra đi nhưng tình yêu giản dị của anh dành cho gia đình luôn còn mãi.


Biển cả bao la ngàn đời nay luôn được ví với tình yêu, nhưng tình yêu vĩ đại ấy lại bắt nguồn từ những con sông nhỏ, những mạch nguồn cảm xúc giản dị cứ chảy mãi, chảy mãi, để đến mỗi độ xuân về, linh hồn những người con ưu tú đất Việt từ đại dương mênh mông lại trở về với đất mẹ, trở về trong những con sông tình yêu sâu thẳm trong trái tim những người đang sống… hun đúc lên lòng yêu nước nồng nàn cho thế hệ mai sau…

Related Posts

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad