Post Top Ad

Post Top Ad

Đời sốngTin HotTin nổi bậtXã hội

Ước mơ cháy bỏng của những nữ “phu bới rác” mưu sinh

Những người phụ nữ có dáng ngồi chệch về một bên hoặc hơi gù về phía trước mồ hôi nhễ nhại ước đẫm chiếc áo bạc màu, rách rưới. Họ đi chiếc xe đạp cà tàng, mang đôi giày bata bệt cũ, đội nón, bịt khẩu trang kín mít. Không ai biết mặt mũi họ ra sao, chỉ biết rằng họ- những người phụ nữ thu gom đồng nát về đêm ở thành phố Huế.

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng”

Giữa đất kinh kỳ, 9h tối, những ánh điện cao áp đã chiếu sáng khắp các con phố của thành phố Huế. Khi nhà nhà xum họp bên mái ấm gia đình thì cũng là lúc cuộc sống mưu sinh của những nữ phu rác bắt đầu. Lấy đêm làm ngày, những nữ phu rác này bắt đầu một hành trình kiếm tìm cuộc sống. Những ước mơ cháy bỏng của họ về cuộc sống tương lai dần nặng trên đôi quang gánh, những chiếc xe đạp cà tang. Nhưng đâu đó, vẫn có những tiếng thở dài những, những giọt nước mắt đắng cay chan hoà trong tiếng rao “đồng nát đây”!.

Một đêm chúng tôi ở lại mảnh đất kinh kỳ Huế, bất chợt những tiếng rao nghe nghèn nghẹn, với nhiều chất giọng kèm theo tiếng xe đạp kẽo kẹt khiến điểm nhìn của chúng tôi bị níu lại. Trên những cung đường, xuất hiện những người phụ nữ đi trên những chiếc xe đạp cà tàng thồ đằng sau một bao tải nặng hơn trọng lượng cơ thể họ. Họ lầm lũi đạp hết đi ngõ ngách này đến ngõ ngách khác theo chiếc xe thu gom rác của công ty môi trường đô thị. Xe rác dừng hẳn, lập tức một tốp phụ nữ lao đến bới, xới tìm những vật phế liệu còn dùng được ở các thùng rác đã được chuyển lên xe bằng tay không và một chiếc cuốc dĩa nhỏ.
Một bữa cơm đạm bạc của các nữ phu rác giữa đêm dài
Một người phụ nữ dáng người nhỏ thó, đôi bàn tay chai sần với những vết nứt nẻ ngang dọc, một bàn tay chỉ còn 3 ngón làm tôi chú ý, thấy chụp ảnh người phụ nữ nói vọng lại: “nghề ni cực lắm bới xe rác tìm thứ họ bỏ đi nhớp nhúa lắm chụp ảnh làm gì” hỏi kỹ mới hay tên đầy đủ của người phụ nữ đó là chị Hoàng Thị Sen chị làm nghề bới rác này cũng hơn 20 năm rồi.Con mắt trũng sâu vì mệt mỏi chị Sen tâm sự “sung sướng gì cái nghề bới rác của thiên hạ làm "cơm" của mình? Vì thứ cơm rác của thiên hạ ấy mà tụi tui đã lao vào vòng xoáy mưu sinh mê mệt từ ngày này qua ngày khác không ngơi nghỉ. Và cũng vì thứ cơm rác mà người ta đã vứt đi còn bọn tui phải nhặt lại trên xe rác để bán cho các xưởng phế liệu”. Sao mình không đi mua đồng nát vào ban ngày để  đêm về nghĩ ngơi ? Một người phụ nữ trả lời câu hỏi của tôi cụt ngủn “ ăn không đủ ăn vốn đâu mà buôn đồng nát ban ngày chú”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi những người phụ nữ đồng nát về đêm phần lớn là có hoàn cảnh éo le chồng mất, nghèo khổ, thất nghiệp họ đến từ khắp các vùng ven của thành phố Huế như Phú Vang, Hương Thủy… Họ phải đạp chiếc xe đạp cà tàng lên thành phố Huế từ 5 giờ chiều xong công việc cũng hơn 11 giờ đêm, nhiều đêm trời mưa bão cũng phải đi làm. Khi thấy tôi nhìn dĩa cơm không có miếng thức ăn nào trên tay chị Sen cười hiền nói: “buổi tối, tụi chị ăn cơm 8.000đồng/dĩa ở trên cầu An Cựu ăn cho có miếng gì bỏ vào bụng rồi đạp xe đi tiếp, dĩa cơm thì chú thấy đó toàn là cơm trắng với rau muống xào, canh mặn.
Nhiều hồi muốn ăn tô bún, bát cháo vịt, cháo gà nhưng càng nghĩ tới lại ứa nước mắt không dám ăn, ăn rồi lấy tiền đâu mà lo con mình, cho con khi trái gió trở trời, ốm đau”.Cũng là nghề đồng nát nhưng những người phụ nữ đồng nát về đêm cực khổ gấp vạn lần công việc đồng nát ban ngày vì họ không có vốn để mua phế liệu nên tối đến họ phải bới tìm rác từ các thùng rác, xe rác lấy công làm lời, hễ có thùng rác, xe rác đâu là họ theo đó. Chị Sen bộc bạch : “làm nghề ni “ đêm cấy, sáng gặt” sau khi thu gom xong thì tụi tui chở về nhà phân loại làm xong cũng tới 1, 2 giờ sáng mới ngủ, sáng mai đêm cân lấy tiền trang trải cuộc sống. Làm thì cực nhọc rứa đó mà thu nhập cũng chẳng cũng được bao nhiêu sãi tầm 40 chục ngàn trúng mánh thì bảy tám chục”.
Niềm mơ ước giản dị

Làm việc trong điều kiện không có ánh sáng lại ở ngoài trời vào ban đêm. Sử dụng đôi tay là chủ yếu nhưng thiết bị bảo hộ lao động chỉ một đôi găng tay mỏng manh thậm chí là không có vậy nên họ thường bị các bệnh về da do tiếp xúc với các chất độc hại. 
Nhìn bàn tay chỉ còn lại 3 ngón của mình chị Sen ứa nước mắt kể với tôi: “cách đây cũng hơn tháng tui bới rác chẳng may bị tôn cắt vào tay nghĩ không có chuyện gì nên chỉ băng bó lại rồi làm tiếp, ai ngờ 3,4 ngày sau đang làm phát sốt ngất sỉu may được người dân được vào bệnh viện cấp cứu, tỉnh dậy thấy bàn tay mình bị cắt mất 2 ngón do vết thương không được chữa trị ngay, bị nhiễm trùng”. Khi tôi thắc mắc là tại sao bị vậy rồi mà chị không thấy sợ, vẫn chưa từ bỏ cái công việc này thì chị nói rằng tất cả cũng chỉ vì chữ nghèo đè nặng trên vai gia đình:"Sợ lắm chứ. Nhưng nhà nghèo, không có cái gì ăn thì phải lăn ra làm.” Nhìn những quầy hàng hóa, chị sen thủ thỉ: “cũng muốn có vốn buôn bán như người ta để nhàn nhã hơn nhưng khó lắm”. Những lúc làm không đủ chi tiêu, tui phải vay trước của những chủ của hàng phế liệu rồi làm mà trả dần.
Chiếc xe cà tàng chở nặng đồng nát gắn với ước mơ kiếm tiền lo cho thế hệ tương lai
Đời đồng nát về đêm còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ như tai nạn giao thông do, thậm chí một số người còn bị “yêu râu xanh” hãm hiếp khi đi làm về quá khuya. Chị Sen bộc bạch “ làm đã cực như ri rồi nhiều hồi đạp xe về còn bị bọn say rượu, sàm sỡ, châm chọc, lạng lách rồi tông vào làm tui té lăn, trầy trụi hết còn bọn chúng phóng ga bỏ chạy chẳng ai đỡ dậy phải tự lết về nhà”.Nói hồi chị Sen thở dài chép miệng : “Tui già ri mà bọn chúng vẫn không tha...”

Chị Đỗ Thị Hòa, người cùng làng với chị Sen chia sẻ: “Cái đời đồng nát về đêm bắt đầu cũng chỉ vì ruộng đồng bị thu hoạch thành khu công nghiệp. Từ khi các con lên thành phố Huế học đại học, tối đến tui cũng lên đây kiếm sống để kiếm tiền lo cho sắp nhỏ. Cái đời đồng nát bắt đầu từ đấy, đến nay tui vẫn nói cười với con tôi rằng: “ Đời đồng nát nuôi chúng mày ăn học cả đấy!” Chị Hòa nói tiếp: “tối tối nhà nhà, người người đều sum họp giải lao thư giản còn mình phải đi bới rác tìm phế liệu về tới nhà cũng hơn 11 giờ đêm nghĩ mà tủi thân ứa nước mắt nhưng nghĩ lại thôi kệ hy sinh đời mình để cũng cố đời con thấy cũng đỡ tủi”.

Chính những đồng tiền chắt chiu từ đống phế liệu kia đã nuôi biết bao người con vào đại học, thành tài, cũng nhờ những đồng tiền bằng mồ hôi có pha lẫn máu của mẹ nó mà bữa cơm của những đứa trẻ con nhà đồng nát có thêm con cá, miếng thịt. Vậy nên họ càng nâng niu, trân trọng giá trị của cuộc sống hơn. Theo mỗi vòng bánh xe, trong cuộc mưu sinh khắc nghiệt ngày hôm nay, bỏ đằng sau những vất vả, bẩn thỉu của phế liệu, mỗi người phụ nữ đồng nát về đêm vẫn tìm thấy niềm vui. “Hạnh phúc là được nhìn thấy con cái trưởng thành, dù có phải làm bất cứ công việc gì, miễn là chính đáng bằng mô hôi, công sức, khó khăn gian khổ đến mấy rồi cũng sẽ vượt qua”, các cô, các chị đồng nát chúng tôi gặp đều có chung tâm sự. Chia tay với chúng tôi chị Sen, chị Hòa chỉ kịp nói lời chào và không quên để lại nụ cười.

 Màn đêm ngày càng tĩnh mịch và tối dần, cuộc đời của người phụ nữ đồng nát về đêm cũng hệt màn đêm mờ mịt và không có tương lai. Khi cuộc mưu sinh kết thúc mồ hôi nhễ nhại chảy trên khuôn mặt đen nám vì bụi bẩn của những người phụ nữ đồng nát về đêm. Bóng đêm dần qua ngày mới lại bắt đầu, những hy vọng những ước về những đứa con của nữ phu rác sẽ trưởng thành dường như tiếp thêm sức mạnh bên những tiếng rao “đồng nát” đây!

Related Posts

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad